Đây là dự báo của các nhà khoa học Anh công bố trên tạp chí Nature Climate Change ngày 12/5.
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính vốn không ngừng tăng trong thời gian qua, sẽ làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng 4 độ C từ nay đến cuối thế kỷ 21 so với giai đoạn tiền công nghiệp (trước thập niên 1950).
Nghiên cứu tác động của hiện tượng Trái Đất ấm lên đến môi trường sống của 48.786 loài động thực vật, nhóm các nhà khoa học của trường Đại học Anh East Anglia rút ra kết luận rằng môi trường sống thuận lợi của 55% số loài thực vật và 35% số loài động vật sẽ bị thu hẹp ít nhất một nửa vào từ nay đến năm 2080.
Các loài thực vật, động vật lưỡng cư và bò sát thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất vì tốc độ thích nghi với môi trường sống của chúng chậm hơn diễn biến của biến đổi khí hậu.
Về mặt địa lý, khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi, Trung Mỹ, vùng Amazon và Australia bị ảnh hưởng nặng nhất.
Nhà nghiên cứu Rachel Warren, một thành viên trong nhóm, cho biết những tính toán này chỉ ở mức tối thiểu do mới xem xét tác động của sự gia tăng nhiệt độ, chưa tính đến ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra, như bão tố, lốc hay lũ lụt.
Theo bà Oaren, số loài động vật có thể biến mất sẽ nhiều hơn dự báo do số loài thực vật cần thiết để nuôi sống chúng giảm đi. Con người cũng sẽ bị ảnh hưởng vì trong số đó có những loài cần thiết để làm sạch nguồn nước, khí quyển, hạn chế lũ lụt và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của trường East Anglia cho rằng vẫn có thể hạn chế được hiện tượng trên nếu thực hiện kịp thời các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bị giới hạn từ năm 2016, thiệt hại có thể giảm được tới 60%./.