Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng 50% các cơn giông sét từ nay tới cuối thế kỷ 21. Đây là cảnh báo đáng lo ngại của các nhà khoa học Mỹ đưa ra trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Science số ra ngày 13/11.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học thuộc Đại học California đã phân tích số liệu sau khi đo lượng mưa và quan sát các đám mây của Cơ quan Khí tượng quốc gia Mỹ (NSW), cũng như xây dựng 11 mô hình khí hậu khác nhau để ước tính nhiệt độ của Trái Đất cho tới năm 2100.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng dựa trên chỉ số năng lượng tiềm năng đối lưu sẵn có (CAPE), được đo đạc bằng máy thám không vô tuyến và các thiết bị khinh khí cầu đưa vào bầu khí quyển trên khắp nước Mỹ hai lần mỗi ngày.
Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy Trái Đất càng nóng lên càng xảy ra nhiều cơn giông sét. Cụ thể, nguy cơ xảy ra các vụ sét đánh tăng 12% khi nhiệt độ tăng 1 độ C. Như vậy, đến năm 2100 - khi nhiệt độ tăng khoảng 4 độ C, nguy cơ này lên tới 50%.
Theo các chuyên gia, tia sét được phóng ra với vận tốc 36.000 km/h và sức nóng lên tới 30.000 độ C có thể gây cháy rừng và làm chết người.
Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 25 triệu vụ sét đánh trên toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, riêng tại Mỹ đã có 25 người thiệt mạng do bị sét đánh trúng, trong đó bang Florida là địa phương có nhiều người chết do sét đánh nhất 6 người./.