Bài 4: Lo thí sinh ảo, Bộ GD-ĐT dự kiến điều chỉnh quy chế tuyển sinh
Không chỉ tổ chức thi riêng và sử dụng kết quả để xét tuyển, các trường còn sử dụng rất nhiều phương án tuyển sinh khác nhau. Điều này làm gia tăng lo ngại về tình trạng thí sinh ảo, áp lực thủ tục hành chính cho các trường phổ thông cũng như việc đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự kiến điều chỉnh một số điểm quan trọng trong quy chế tuyển sinh năm 2022.
Hơn 20 phương thức xét tuyển
Khảo sát sơ bộ của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus cho thấy hầu hết các trường đều có từ bốn phương thức xét tuyển trở lên, trong đó nhiều trường có tới 6 phương thức xét tuyển với nhiều nhóm đối tượng thí sinh.
Bên cạnh tổ chức thi đánh giá năng lực và xét tuyển theo điểm bài thi, Đại học Sư phạm Hà Nội còn xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp và tổ chức thi các môn năng khiếu để xét tuyển vào các ngành có môn thi năng khiếu. Đại học Bách khoa Hà Nội ngoài bài thi kiểm tra tư duy còn có phương thức xét tuyển tài năng, xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
[Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực]
Đại học Kinh tế quốc dân bổ sung phương thức mới là xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia nhưng vẫn xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển dựa trên chứng chỉ các kỳ thi quốc tế SAT, ACT, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, tuyển thẳng thí sinh được giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế, thi đường lên đỉnh Olympia…
Theo thống kê của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mùa tuyển sinh năm 2022 có hơn 20 phương thức xét tuyển khác nhau được các trường sử dụng. Trong đó các phương thức được sử dụng nhiều nhất là dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét theo học bạ, xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên điểm các kỳ thi riêng.
Lý giải về các việc mở rộng các phương án xét tuyển, lãnh đạo các trường đại học cho hay đây là quyền tự chủ được quy định trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2019. Điều này cũng giúp các trường tuyển được thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo trong bối cảnh điểm kỳ thi tốt nghiệp ngày càng giảm độ phân hoá.
Cùng với việc có nhiều phương án xét tuyển thì cơ cấu chỉ tiêu dành cho từng phương án cũng được các trường điều chỉnh theo hướng giảm chỉ tiêu ở phương thức truyền thống là xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra, ở phương thức này, nhiều trường cũng điều chỉnh, bổ sung tổ hợp xét tuyển mới bên cạnh các tổ hợp cũ.
Bộc lộ nhiều hạn chế
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay trong mùa tuyển sinh năm 2021, việc đa dạng phương thức tuyển sinh đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Cụ thể, việc thí sinh dự thi bằng nhiều phương thức và nộp ở nhiều trường, nhất là phương thức xét tuyển bằng học bạ, đã gây áp lực hành chính cho các trường trung học phổ thông trong công tác sao in, xác nhận kết quả học tập cho các em. Thí sinh cũng chịu áp lực khi phải chuẩn bị nhiều hồ sơ, giấy tờ và dễ xảy ra những sai sót, nhầm lẫn.
Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu không hợp lý dẫn đến thiếu đảm bảo công bằng cho thí sinh. Có trường tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm so với những trường khác gây khó khăn cho thí sinh trong việc lựa chọn ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên cao nhất.
Việc một thí sinh có thể đăng ký xét và trúng tuyển ở nhiều trường theo nhiều phương thức nhưng chỉ có thể nhập học ở một trường (những trường còn lại coi đây là thí sinh ảo) cũng khiến cho công tác lọc ảo của Bộ gặp khó khăn vì phần mềm lọc ảo chỉ thực hiện với các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ thí sinh nhập học đợt 1 theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 chỉ đạt 56,2%, tỷ lệ thí sinh ảo là 43,8%.
Việc các trường cắt giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức đã công bố các năm trước cũng khiến thí sinh bị động trong việc học và ôn thi do các em đã có thời gian dài chuẩn bị xét tuyển theo phương thức cũ.
Sẽ điều chỉnh quy chế tuyển sinh
Để khắc phục các tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ có những điều chỉnh trong quy chế xét tuyển theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường trung học phổ thông phải cập kết quả học tập ba năm lớp 10, 11, 12 của học sinh lên cơ sở dữ liệu ngành đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển để các trường đại học sử dụng làm dữ liệu xét tuyển.
Để giảm thí sinh ảo, nhà chức trách yêu cầu thí sinh đăng ký trực tuyến nguyện vọng xét tuyển vào các trường, theo tất cả các phương thức trên cùng một hệ thống và nộp lệ phí xét tuyển qua tài khoản của sở giáo dục và đào tạo. Mỗi thí sinh sẽ được cấp một mã định danh theo số căn cước công dân của các em. Việc đăng ký xét tuyển vào các trường đại học được thực hiện sau khi thí sinh có điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thay vì đăng ký trước khi thi sau đó lại điều chỉnh như mọi năm. Các nguyện vọng được sắp xếp từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất.
Hết thời hạn đăng ký, các trường trích xuất dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình để xét tuyển, sau đó cập nhật lại lên hệ thống dữ liệu thí sinh trúng tuyển. Phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lọc ảo chung toàn hệ thống trong đợt 1 theo nguyên tắc mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng và là nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Để đảm sự công bằng và không gây xáo trộn việc học của thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường khi sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi phải giải trình được sự phù hợp của việc sử dụng này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các trường đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định phương thức tuyển sinh. Cụ thể, đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm, ví dụ không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, những điều chỉnh này nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi số của ngành đồng thời khắc phục những hạn chế của mùa tuyển sinh 2021, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và các nhà trường./.
Mời độc giả đón đọc cả chùm bài:
Bài 1: Bài thi đánh giá năng lực lên ngôi
Bài 2: Ma trận thông tin luyện thi đánh giá năng lực bủa vây thí sinh
Bài 3: Học sinh, giáo viên căng mình ôn luyện cho nhiều kỳ thi
Bài 4: Lo thí sinh ảo, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh quy chế tuyển sinh