Kể từ khi tiêu thụ càphê toàn cầu bắt đầu tăng từ thế kỷ 19 và các quán càphê bắt đầu thi nhau xuất hiện vào cuối thế kỷ 20, các nhà sử học tin rằng chúng ta đang ở giữa của làn sóng thứ ba trong lịch sử càphê hiện đại, được đánh dấu bằng sự quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng đối với càphê, cùng với vô số cách thức pha chế khác nhau.
Vậy các quốc gia khác nhau đã pha chế càphê khác nhau như thế nào.
Càphê Buna (Ethiopia)
Tại Ethiopia, càphê thuộc về một nghi thức xã hội quan trọng. Trong nghi lễ càphê của người Ethiopia, bunna hay buna, có nghĩa là càphê theo tiếng Amharic, được pha chế theo một quy trình mất từ 2 đến 3 giờ.
Hạt càphê được rang xay thủ công trước khi pha với nước, sau đó được đổ vào một chiếc bình có vòi để khi rót ra càphê chảy thành một dòng dài.
Càphê của người Ethiopia thường là càphê đen, nhưng đôi khi họ cũng pha với đường hoặc được thêm muối hoặc mật.
Càphê Espresso (Italy)
Ở Italy, càphê espresso là loại càphê phổ biến nhất, thường được gọi đơn giản là "caffé" và được phục vụ cả ngày, không giống như càphê sữa chỉ được uống vào bữa sáng.
Bạn có thể thưởng thức càphê tại bàn với một chiếc bánh ngọt. Nhưng đa số người dân Italy thường đứng ở quầy bar và uống từng ngụm càphê.
Cùng được làm từ càphê Arabica hoặc Robusta, nhưng điều làm nên hương vị khác biệt của càphê espresso chính là quy trình chế biến.
So với hầu hết các loại càphê khác, càphê espresso được rang lâu hơn, xay mịn hơn và pha lâu hơn.
Thời gian rang lâu hơn giúp giải phóng nhiều dầu tự nhiên của càphê hơn, khiến càphê espresso có hương vị đậm đà hơn, và tạo ra đươc một lớp bọt trên cùng được gọi là crema. Thời gian lọc càphê lâu hơn là do lớp bột siêu mịn đã cản độ chảy của nước.
Càphê Melange (Áo)
Các quán càphê ở Vienna phục vụ hàng chục loại càphê khác nhau, kết hợp với sữa, chocolate, rượu mùi và các thành phần khác, nhưng nổi bật nhất vẫn là Melange, loại càphê được pha với sữa và bọt sữa.
Loại đồ uống này tương tự như cappuccino của Italy. Tuy nhiên, khi người Italy coi cappuccino và các loại càphê sữa khác là đồ uống chỉ dành cho buổi sáng, thì ở Áo người ta có thể thưởng thức Melange vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Một điều đáng chú ý là loại càphê vẫn được gọi là càphê Vienna trong tiếng Anh và tiếng Pháp lại không phải là Melange mà là loại càphê với topping kem tươi.
Ở Áo, loại đồ uống này được gọi là Franziskaner ("Franciscan") vì nó có màu nâu nhạt giống như áo choàng của các tu sĩ dòng Franciscan, tương tự như cách cappuccino được đặt tên cho áo choàng của các tu sĩ Capuchin.
Càphê Touba (Senegal)
Càphê Touba của người Senegal mang hương vị hạt tiêu và đất do một loại gia vị châu Phi có tên là djar, và đôi khi là các loại gia vị khác như đinh hương và bạch đậu khấu. Chúng được rang và xay theo tỷ lệ một phần gia vị và 4 phần càphê.
Càphê Touba được đặt tên theo một thành phố linh thiêng của Senegal, được bán trên khắp đất nước Senegal.
Tại những quầy bán đồ ăn nhanh ở địa phương được gọi là tanganas, những người bán hàng rong pha chế các cốc càphê, rót qua rót lại giữa các thùng chứa để sục khí trước khi rót ra các cốc nhỏ.
Càphê ủ lạnh với nitơ (Mỹ)
Càphê ủ lạnh ban đầu được pha với nước nóng, sau đó cốt càphê sẽ được ngâm trong nước lạnh từ 12 đến 24 tiếng để tạo ra một loại đồ uống nhẹ hơn, ít axit hơn với hương vị gần như không thay đổi theo thời gian.
Khi phần càphê lạnh này được sục khí nitơ, nó sẽ sinh ra các bong bóng nhỏ tạo ra một kết cấu mềm mượt với phần bọt ở trên mặt gần giống như các loại bia.
Quy trình pha chế này khiến loại càphê này khá đắt tiền, nhưng bạn cũng có thể pha nó tại nhà một cách dễ dàng bằng cách dùng máy đánh kem có hộp chứa nitơ.
Cafezinho (Brazil)
Ở Brazil, cafeszino chiếm vị trí cao nhất trong các loại đồ uống. càphê xay mịn được đổ trực tiếp vào nồi nước sôi, trong đó có đường mía chưa tinh chế đã hòa tan.
Sau khi ủ xong, càphê được lọc qua giấy hoặc qua vải theo cách cổ truyền trước khi phục vụ khách.
Cafezinho có vị mạnh và thường được phục vụ dưới hình thức càphê đen, nhưng một số người cũng thích cho thêm kem vào sữa vào.
Càphê Dalgona coffee (Hàn Quốc)
Được đặt tên theo dalgona, một loại kẹo đường của Hàn Quốc, dalgona là càphê sữa đá với lớp topping là hỗn hợp kem đánh bông được làm từ càphê hòa tan, đường và nước nóng theo tỷ lệ bằng nhau.
Cơ sở khoa học tạo nên lớp bọt này tương tự như cách sử dụng lòng trắng trứng làm bánh ngọt.
Đặc biệt, các loại càphê hòa tan giá rẻ được làm từ phương pháp sấy phun, không giữ được lớp dầu tự nhiên của càphê, lại tạo ra được loại bọt tốt nhất.
Yuenyeung (Hong Kong)
Yuenyeung là tên tiếng Quảng Đông của loài vịt màu sắc rực rỡ. Tên gọi này liên quan đến lòng chung thủy trong tình yêu của loài vịt này bởi loại đồ uống này là sự kết hợp hài hòa của 2 lại thức uống khác nhau: trà và càphê.
Là sự pha trộn giữa các yếu tố văn hóa phương Đông và phương Tây thế kỷ 20 trong thời kỳ Hong Kong còn là thuộc địa của Anh, yuenyeung có thể tìm thấy trên các quán trà trên khắp Hong Kong hiện tại.
Vào năm 1952, một quán càphê ở Hong Kong với tên gọi Lan Fong Yuen tuyên bố đã sáng tạo ra loại đồ uống này với tỷ lệ 3 phần càphê và 7 phần trà sữa. Hiện nay, tỷ lệ này có thể khác nhau tại các quán khác nhau./.