Ra đời như một tất yếu của cuộc chiến tranh nhân dân, biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta, hoạt động chiến đấu giữa sào huyệt, trung tâm đầu não của địch.
Với sự mưu trí, dũng cảm và nhiều cách đánh độc đáo, sáng tạo, lực lượng biệt động Sài Gòn đã lập nên những chiến công hiển hách, làm chấn động cả trong nước và thế giới.
Năm tháng đã qua đi nhưng với cả nước, với miền Nam thành đồng và với thành phố mang tên Bác, những chiến công vang dội của đội quân đặc biệt tinh nhuệ này sẽ sống mãi với các thế hệ Việt Nam, mãi mãi tạc vào lịch sử một tượng đài bất tử.
Không chỉ chiến đấu trong lòng địch, những chiến sỹ biệt động có thể là những người bình thường nhất, sống cùng nhân dân, được người dân bao bọc, nuôi dưỡng và hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ vì dân.
Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc trên thế giới, có lẽ chưa ở đâu có đội quân hay binh chủng nào đặc biệt như thế. Có thể nói đây là lực lượng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu," gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong lòng địch, hòa vào nhân dân, để thực hiện những nhiệm vụ mạo hiểm, táo bạo, bất ngờ vào cơ quan đầu não và các mục tiêu quan trọng của địch.
Đánh giá về những đóng góp của lực lượng biệt động, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định trong cuộc kháng chiến oanh liệt 30 năm vì độc lập và thống nhất của Tổ quốc, các đơn vị Biệt động Sài Gòn đã nêu cao khí phách anh hùng, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, lập nên những chiến công bất hủ.
Đội quân tinh nhuệ, gắn bó máu thịt với nhân dân
Lực lượng biệt động Sài Gòn xuất hiện từ thời kỳ đầu kháng chiến Nam bộ, và phát triển mạnh trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ theo hướng “tinh nhuệ."
Đây là lực lượng đặc biệt, được vũ trang tại chỗ, chiến đấu trong lòng địch ở các đô thị bị tạm chiếm tại Sài Gòn.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, khác với bộ đội đặc công - lực lượng võ trang thoát ly hoàn toàn, chỉ gồm các thanh niên tác chiến trên mọi chiến trường, "biệt động" là lực lượng võ trang tại chỗ, chiến đấu trong lòng địch ở các đô thị bị tạm chiếm.
[Nữ biệt động Sài Gòn cắt lìa cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu]
Biệt động có từ thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ đầu kháng chiến Nam Bộ và phát triển mạnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Họ có cả trai lẫn gái, cả thiếu niên lẫn người cao tuổi ở mọi thành phần xã hội của đô thị. Tham gia biệt động có công nhân, nông dân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị, học sinh, trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, tư sản yêu nước…
Biệt động hoạt động chủ yếu ban ngày, thường trà trộn trong dân hoặc lọt vào hàng ngũ địch để tiếp cận mục tiêu, rồi lên kế hoạch hành động cực nhanh, dứt khoát, quyết liệt và nhanh chóng rút khỏi khu vực chiến đấu.
Được nhân dân đùm bọc, chở che và nuôi dưỡng, lực lượng biệt động Sài Gòn luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, đã trưởng thành từ không đến có, từ nhỏ đến lớn mạnh. Họ hoạt động trong phong trào quần chúng, luồn sâu đánh hiểm, tự lực, tự cường, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, tiêu diệt địch và lập nhiều chiến công.
Đặc biệt, trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, nghệ thuật biệt động phát triển đến đỉnh cao, đã giáng những đòn sấm sét xuống đầu quân địch, lập nên những chiến công vang dội.
Lịch sử sẽ mãi mãi nhắc tới những cái tên như: Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê), Nguyễn Văn Tăng, Bành Văn Trân, Nguyễn Văn Kịp, Lâm Sơn Náo, Trần Phú Cương (Năm Mộc), Lê Văn Việt, Trần Thị Mai, Đoàn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thu Trang...
Những đội viên "chim sắt" này đã đánh vào trụ sở Bộ Tư lệnh viện trợ Mỹ tại Việt Nam (MACV) hai lần trong vòng một tháng, tiêu diệt hàng chục tên cố vấn Mỹ.
Trong những năm 1963-1964, lực lượng biệt động đã tổ chức những trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, trong đó nổi bật là trận đánh cư xá Brink, trận tập kích khách sạn Carallelle, trận đánh chìm tàu Card (US Card) tải trọng 16.000 tấn tại cảng Sài Gòn, tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Những trận đánh “xuất quỷ, nhập thần” này đã chứng tỏ tài nghệ chỉ huy chiến đấu và khả năng to lớn của cách đánh biệt động tại đô thị, góp phần làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ-ngụy.
Trong thời kỳ "chiến tranh cục bộ" và các thời kỳ tiếp theo, lực lượng biệt động thành luôn đảm nhiệm vai trò đánh đòn phủ đầu quân xâm lược Mỹ và chư hầu.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã bất ngờ đồng loạt tấn công vào hàng loạt các mục tiêu trọng yếu của Mỹ ngụy, như: Dinh Độc Lập, sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu, đài Phát thanh Sài Gòn, bộ tư lệnh hải quân Sài Gòn, tòa đại sứ Mỹ… tạo bước ngoặt quan trọng, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải “xuống thang chiến tranh," tạo nên tiếng vang lớn trên trường quốc tế.
Đoàn kết một lòng-Mưu trí vô song-Dũng cảm tuyệt vời-Trung kiên bất khuất
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với sự mưu trí, dũng cảm và bằng nhiều cách đánh độc đáo, sáng tạo, lực lượng biệt động Sài Gòn đã cùng quân và dân thành phố, lập nên nhiều chiến công vang dội, giành chính quyền về tay nhân dân và kết thúc vai trò lịch sử của mình một cách vẻ vang.
Trong chiến dịch này, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã được biên chế, tổ chức thành ba tiểu đoàn: 195, 197, 198 và 11 đại đội (gồm 60 tổ), triển khai thành hai hướng hoạt động chính là vùng Đông và Tây thành phố rồi phát triển vào nội đô Sài Gòn.
Biệt động Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa phối hợp với các đơn vị bạn chiến đấu, giữ cửa trên các hướng, hướng dẫn các cánh quân chủ lực thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, vừa phối hợp với địa phương phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, góp phần to lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chỉ tính từ tháng 12/1974 đến tháng 4/1975, các tổ, đội Biệt động Sài Gòn đã đánh 55 trận trong nội đô và 3 trận vùng ven, tiêu diệt hơn 100 tên địch, thu được súng đạn, máy thông tin và một số tài liệu quan trọng khác của địch.
Đến cuối tháng 4/1975, trong lúc các binh đoàn chủ lực của ta từ năm hướng thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, các đơn vị Biệt động thành phố đã chiếm giữ các đầu cầu quan trọng trên trục đường vào thành phố; tham gia khống chế các sân bay, trận địa pháo của địch, đánh chiếm một số vị trí then chốt trong trung tâm và dẫn đường cho các đơn vị bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng.
Các chiến sỹ biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, điển hình như: nữ chiến sỹ biệt động Nguyễn Trung Kiên hướng dẫn Trung đoàn 24 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất; nữ đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tùng lãnh đạo quần chúng bao vây chiếm trụ sở quận 9; đồng chí Ba Minh, cơ sở trong lòng địch của Đội 5 biệt động, làm việc ở văn phòng bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn đã ra đón và bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị ở đây cho Quân Giải phóng...
Cùng với các mũi tiến công của các đơn vị bộ đội, lực lượng Biệt động thành còn phối hợp cùng các đội công tác vũ trang, các đoàn thể trong các quận nội thành, làm nòng cốt và hướng dẫn nhân dân nổi dậy giành chính quyền tại chỗ. Tấn công bằng chính trị, binh vận vào tất cả các lực lượng của địch, khiến chúng phải bỏ súng đầu hàng hoặc quay về với gia đình.
Chỉ trong vòng hai ngày 29 và 30/4/1975, toàn thành phố có 107 điểm nổi dậy (31 điểm ở ngoại thành, 76 điểm ở nội thành).
Vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy, đánh dấu thời điểm kết thúc toàn thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây cũng là dấu mốc lớn trong nghệ thuật tác chiến của lực lượng Biệt động Sài Gòn, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật chiến đấu trong lòng địch.
Nêu cao tinh thần quyết chiến, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ này đã thực hiện xuất sắc tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc.
Với thành tích chiến đấu xuất sắc, năm 1976, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng-Mưu trí vô song-Dũng cảm tuyệt vời-Trung kiên bất khuất."
Có thể nói, những hình ảnh hào hùng của chiến sỹ biệt động Sài Gòn một thời xông pha trận mạc, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để đất nước được độc lập, tự do sẽ còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam. Đây là bản hùng ca về những người con bất tử, luôn giành chủ động, tạo bí mật, bất ngờ, biết đánh và biết thắng; là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của khí phách Việt Nam, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng và trường tồn của dân tộc./.