Biểu tình bạo lực lan rộng tại Bosnia-Herzegovina

Bạo lực đang tiếp tục lan rộng sang nhiều thành phố của Bosnia-Herzegovina với số lượng người biểu tình ngày càng tăng, lên đến hàng nghìn người.

Các cuộc biểu tình bạo lực ở Bosnia-Herzegovina, xuất phát từ vụ đụng độ giữa công nhân biểu tình và lực lượng cảnh sát tại Tuzla - thành phố lớn thứ ba và là trung tâm công nghiệp ở khu vực Đông Bắc nước này, tiếp tục diễn ra và lan rộng sang các thành phố khác.

Tại Tuzla, theo thông báo của cảnh sát, số lượng người biểu tình đã tăng từ 600 người trong ngày 5/2 lên khoảng 2.000 người, và theo một số phương tiện thông tin đại chúng địa phương, con số này có thể lên tới gần 7.000 người.

Trong khi đó, hàng nghìn người khác cũng đã tập trung tại bốn thành phố ở Bosnia-Herzegovina gồm thủ đô Sarajevo, Zenica, Mostar và Bihac để bày tỏ sự đoàn kết với công nhân ở Tuzla. Những người thất nghiệp và tầng lớp trí thức trẻ tuổi cũng đã tham gia các cuộc biểu tình.

Những người biểu tình tiếp tục ném trứng và đá vào các tòa nhà của chính quyền, đụng độ với lực lượng cảnh sát chống bạo động làm nhiệm vụ phong tỏa các đường phố chính trong thành phố.

Các vụ đụng độ đã khiến hơn 130 người, trong đó có 30 người biểu tình và 104 cảnh sát, bị thương. Nhiều người biểu tình quá khích cũng đã bị cảnh sát bắt giữ.

Thủ tướng Bosnia Herzegovina, ông Nermin Niksic đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng phụ trách an ninh và tư pháp để tìm giải pháp cho tình hình trên.

Ông Niksic khẳng định chính quyền sẽ xử lý nghiêm những người biểu tình quá khích.

Các chuyên gia phân tích nhận định, các cuộc biểu tình trên đã cho thấy sự giận dữ của người dân Bosnia-Herzegovina với tình hình kinh tế khó khăn và bất ổn trong nước xuất phát từ sự chia rẽ chính trị kể từ khi cuộc chiến tranh 1992-1995 kết thúc; nhất là đối với tình trạng thất nghiệp tăng cao và nạn tham nhũng tràn lan.

Theo thống kê chính thức, tỷ lệ thất nghiệp của Bosnia-Herzegovina hiện ở mức 27,5% (các chuyên gia ước tính tỉ lệ thực tế có thể lên tới hơn 40%), cao nhất trong khu vực Balkan.

Thu nhập trung bình hàng tháng của người dân chỉ ở mức 420 euro (570 USD) và hiện đang có tới 1/5 trong tổng số 3,8 triệu người dân Bosnia Herzegovina đang phải sống dưới mức nghèo khổ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.