Biểu tình đòi mở cửa biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ cho người di cư

Hàng trăm người đã tập trung biểu tình tại vùng Đông-Bắc Hy Lạp để phản đối biện pháp kiểm soát an ninh dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, đòi mở cửa hàng rào ngăn biên giới cho người di cư.
Biểu tình đòi mở cửa biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ cho người di cư ảnh 1Người biểu tình tập trung tại vùng Đông-Bắc Hy Lạp. (Ảnh: AFP)

Ngày 24/1, hàng trăm người đã tập trung biểu tình tại vùng Đông-Bắc Hy Lạp để phản đối biện pháp kiểm soát an ninh dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, đòi mở cửa hàng rào ngăn biên giới cho người di cư.

Cuộc biểu tình diễn ra trước thềm cuộc gặp ngày 25/1 tại Ankara giữa lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ bàn về việc triển khai thỏa thuận ký hồi tháng 11/2015 về vấn đề người di cư.

Cảnh sát đã chặn đám đông lại ở cách hàng rào biên giới chỉ vài trăm mét. Một số người biểu tình khoác áo cứu hộ để thể hiện dòng người di cư đi qua con đường biển đầy hiểm nguy từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, một nhóm người tị nạn Pakistan còn giương cao ảnh thi thể em bé người Syria thiệt mạng bi thảm trên biển.

Mới đây nhất, ngày 22/1, lực lượng bảo vệ bờ biển đã phát hiện 45 thi thể, trong đó có 20 thi thể trẻ em trôi dạt trong nước biển Aegea lạnh buốt khi con tàu chở họ bị lật trên đường tới Hy Lạp.

Hy Lạp đang chịu sức ép từ phía châu Âu về tình hình giải quyết vấn đề người di cư. Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Kotzias một mặt tuyên bố không thể tiếp nhận thêm người di cư, mặt khác đề nghị Cơ quan kiểm soát biên phòng châu Âu (Frontex) hỗ trợ trong việc trao trả người bị từ chối quy chế tị nạn về lại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như triển khai 100 tàu tuần tra trên tuyến đường biển giữa hai nước.

Giới chức Hy Lạp cũng từ chối dỡ bỏ hàng rào biên giới trên bộ dài 12,5 km đã được thiết lập từ năm 2012 giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp những quan ngại từ phía Ủy ban châu Âu.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve ngày 24/1 cam kết sẽ duy trì “trật tự” tại phía Bắc cảng Calais sau khi hàng chục người di cư chiếm một con phà để tìm cách vượt biên sang Anh. Cảnh sát đã phải dồn những người này khỏi con phà và tạm thời đóng cửa cảng.

Vụ việc đã gây ra cuộc tuần hành yêu cầu chính phủ phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn tại khu cảng chính của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.