Hàng nghìn người lao động thuộc mọi lĩnh vực sẽ tham gia một cuộc đình công trên toàn quốc ở Hy Lạp vào ngày 8/3 nhằm phản đối thảm họa đường sắt khiến 57 người thiệt mạng hôm 28/2.
Dự kiến, đám đông người biểu tình sẽ tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội ở thủ đô Athens.
Từ ngày 9/3, nhân viên đường sắt sẽ đình công luân phiên 24 giờ, khiến mạng lưới đường sắt sẽ phải ngừng hoạt động. Họ cho biết yêu cầu cải thiện các quy định an toàn mà họ đưa ra nhiều năm nay đã không được lắng nghe.
Cuộc đình công sẽ có sự tham gia của nhiều nhân viên lĩnh vực công. Dự kiến dịch vụ tàu điện ngầm, xe buýt sẽ bị gián đoạn và nhiều tàu phà sẽ mắc kẹt tại các cảng vì các nhân viên hàng hải cũng tham gia.
Vụ tai nạn đã khiến dư luận bất bình về tình trạng hư hại của mạng lưới đường sắt. Các nhân viên đình công cho rằng nhiều năm bị bỏ quên, thiếu vốn đầu tư và thiếu nhân lực chính là nguyên nhân dẫn tới thảm họa.
[Thủ tướng Hy Lạp chỉ đạo đẩy nhanh điều tra vụ tai nạn đường sắt]
Trong số khoảng 350 người có mặt trên chuyến tàu chở khách trong vụ tai nạn, có rất nhiều sinh viên đại học đang từ Athens đến thành phố Thessaloniki phía Bắc sau một kỳ nghỉ. Thảm họa đã dẫn tới hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp Hy Lạp.
Hơn 10.000 người đã tụ tập ở Athens ngày 5/3, thả hàng trăm quả bóng màu đen lên bầu trời để tưởng nhớ các nạn nhân.
Trong một tuyên bố, nghiệp đoàn đường sắt chính cho biết: “Chúng tôi sẽ đặt ra các tuyến đường an toàn, để không ai bị ảnh hưởng của sự cố tắc đường tại Tempi một lần nữa”. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi có một nghĩa vụ hướng đến những hành khách và đồng nghiệp thiệt mạng trong thảm họa nói trên.”
ADEY, nghiệp đoàn đại diện cho hàng trăm nghìn nhân viên lĩnh vực công, cũng kêu gọi đình công một ngày. Các nhóm sinh viên và giáo viên cũng cho biết sẽ tham gia sự kiện này.
Hy Lạp đã bán công ty đường sắt nhà nước của mình cho tập đoàn nhà nước Ferrovie dello Stato Italiane của Italy theo một chương trình cứu trợ tài chính quốc tế năm 2017. Công ty này hiện được mang tên Hellenic Train.
Chính phủ đương nhiệm ở Hy Lạp khẳng định thảm họa trên do lỗi của con người, tuy nhiên Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis thừa nhận rằng nhiều thập kỷ bị bỏ bê có thể góp phần gây ra thảm họa./.