Biểu tình ở Bồ Đào Nha, Pháp, tuần hành ở Thụy Sĩ

Ngày 25/5, hàng nghìn người Bồ Đào Nha tụ tập ở Lisbon kêu gọi Chính phủ từ chức vì đã áp dụng những biện pháp "thắt lưng buộc bụng."
Ngày 25/5, hàng nghìn người Bồ Đào Nha tụ tập ở thủ đô Lisbon của nước này kêu gọi Chính phủ từ chức vì đã áp dụng những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà họ cho là càng làm gia tăng tình trạng suy thoái kinh tế.

Những người biểu tình - gồm viên chức, người thất nghiệp và người về hưu - mang theo các biểu ngữ phản đối nghèo đói, chỉ trích các chính sách của chính phủ gây thiệt hại cho người nghèo và làm lợi cho người giàu.

Tổng Thư ký CGTP, nghiệp đoàn chính ở Bồ Đào Nha đồng thời là đơn vị phát động cuộc biểu tình, ông Armenio Carlos tuyên bố CGTP sẽ làm tất cả những gì cần thiết để buộc chính phủ từ chức. Hoạt động biểu tình do CGTP phát động cũng diễn ra đồng thời tại khoảng 50 thành phố của Bồ Đào Nha.

Theo thỏa thuận đạt được tháng 5/2011 với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để nhận được gói cứu trợ 78 tỷ euro từ 2 thể chế này, Chính phủ của Thủ tướng Pedro Passos đã thực hiện nhiều biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nghiêm ngặt, gây làn sóng biểu tình phán đối trong vài tháng qua.

Đầu tháng này, Lisbon lại thông báo các biện pháp khắc khổ mới như nâng tuổi về hưu từ 65 lên 66, kéo dài thời gian làm việc trong tuần từ 35 giờ hiện nay lên 40 giờ và giảm khoảng 30.000 việc làm trong khu vực dân sự.

Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, khoảng 80% số người được hỏi không hài lòng với kế hoạch mới của chính phủ. Họ đòi Lisbon thương lượng lại với EU và IMF về các điều khoản và điều kiện nhận cứu trợ.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha được dự báo sẽ giảm 2.3% vào cuối năm nay và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức kỷ lục 18,2% lực lượng lao động. Kết quả cuộc thăm dò do tờ Publico công bố cùng ngày cho thấy khoảng 57% người dân nước này muốn Quốc hội giải tán để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử mới.

Tối 25/5, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 50 phần tử quá khích tham gia cuộc tụ tập phản đối đạo luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, vừa được Tổng thống Francois Hollande ký ban hành cách đây một tuần.

Cuộc tụ tập diễn ra trên đại lộ Champs Elysees nổi tiếng ngay tại trung tâm thủ đô Paris của Pháp. Trong ngày 26/5, sẽ diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn của những người phản đối đạo luật trên, dự kiến thu hút khoảng 200.000 người tham gia.

Sớm 26/5, trung tâm thủ đô Berne của Thụy Sĩ phủ đặc hơi cay do cảnh sát sử dụng để giải tán một đám đông tham gia cuộc tuần hành có dấu hiệu mang màu sắc chính trị.

Cảnh sát chống bạo loạn buộc phải sử dụng hơi cay, vòi rồng phun nước và một máy bay lên thẳng quần đảo trên bầu trời quảng trường có trụ sở quốc hội khi người tuần hành định phá hàng rào bảo vệ để tràn vào tòa nhà này. Một số phần tử quá chống lại cảnh sát bằng chai lọ và pháo hoa.

Những kẻ gây rối nói trên nằm trong số những người tham gia cuộc tuần hành lớn với sự tham gia của 7.000 người mang tên "Tự do nhảy múa" đòi quyền tự do tụ tập và phản đối các kế hoạch họ cho là làm thay đổi bộ mặt thành phố, cũng như các chính sách kinh tế tự do mới.

Đây là năm thứ ba diễn ra các cuộc tuần hành tương tự. Cuộc tuần hành năm ngoái thu hút sự tham gia của khoảng 20.000 người, so với dân số 126.000 người của thành phố Berne./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.