Ngày 11/1, hàng chục nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan tại thủ đô Ankara, trong bối cảnh nước này đang "rúng động" trước một loạt các cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô lớn.
Về nước sau chuyến công du châu Á kéo dài một tuần lễ, Thủ tướng Erdogan đã phải chứng kiến cảnh khoảng 20.000 người biểu tình tụ tập tại quảng trường Sihhiye ở Ankara, hô vang khẩu hiệu và giơ cao các ápphích chỉ trích chính phủ.
Các cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm vào các thành viên chính phủ, vốn là đồng minh chủ chốt của Thủ tướng Erdogan. Đỉnh điểm là hôm 17/12, cảnh sát chống tham nhũng đã bắt giữ nhiều doanh nhân nổi tiếng và con trai của ba bộ trưởng nội vụ, kinh tế và môi trường, buộc ba ông này phải từ chức vì bị tình nghi có liên quan. Nhiều nghị sỹ thuộc đảng Công lý và Phát triển (APK) cầm quyền cũng phải rời khỏi đảng, trong đó có một cựu bộ trưởng.
Tình hình trên đã khiến Tổng thống Abdullah Gul phải tiến hành cải tổ nội các quy mô lớn.
Việc cơ quan điều tra chống tội phạm tài chính Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch chống tham nhũng đã tạo ra thách thức lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Erdogan, cầm quyền 11 năm nay. Ông Erdogan coi đây là "vở kịch bẩn thỉu" làm xấu đi hình ảnh đất nước.
Để trả đũa, chính phủ của ông Erdogan đã quyết định cách chức hàng trăm sỹ quan cảnh sát, trong đó có nhiều cảnh sát trưởng, đồng thời ra dự luật mới nhằm cải cách Hội đồng Thẩm phán và Công tố viên tối cao (HSYK) - cơ quan chịu trách nhiệm bổ nhiệm trong hệ thống tòa án. Dự luật mới được cho là nhằm hạn chế quyền lực của cơ quan tư pháp hàng đầu này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nhà phân tích, cuộc đối đầu này không chỉ làm dấy lên quan ngại về khả năng độc lập kém cỏi của hệ thống tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn gây phương hại nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vốn đã bị trì hoãn lâu nay của Ankara./.