Ngày 14/11, hàng nghìn người Albania đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Tirana và một số thành phố khác để phản đối khả năng tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria ở quốc gia Đông Nam châu Âu này theo đề xuất của Mỹ.
Khoảng 5.000 người đã tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội và Văn phòng Thủ tướng ở thủ đô Tirana và hô các khẩu hiệu phản đối việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria ở nước này.
Phe đối lập, lực lượng kêu gọi biểu tình, cho rằng chính phủ cần tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề.
Tham gia cuộc biểu tình còn có cựu Thủ tướng Sali Berisha và một số thành viên cấp cao của đảng Dân chủ Albania.
Phát biểu trước đám đông biểu tình, Chủ tịch Quốc hội Albania Ilir Meta khẳng định hội đồng lập pháp sẽ không ra bất cứ quyết định nào có thể gây nguy hiểm tới sinh mạng và sức khỏe người dân, cũng như tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Mọi quyết định đều phải cân nhắc tới tương lai của Albania.
Trong những tuần qua, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã tiến hành các cuộc thảo luận ở Hague (Hà Lan) về cách thức tiêu hủy kho vũ khí hóa học lên tới 1.000 tấn của Syria.
Dư luận cho rằng Pháp, Bỉ và Albania có khả năng là địa điểm tiêu hủy số vũ khí trên.
Cùng ngày, Na Uy thông báo sẽ cử các binh sỹ đến Syria hỗ trợ phái bộ Liên hợp quốc và OPCW tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Damascus.
Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende nêu rõ nước này sẽ điều một tàu hàng dân sự và một khinh hạm hải quân đến các cảng của Syria để chở vũ khí hóa học đến điểm tiêu hủy.
Tuy nhiên, các địa điểm này đến nay vẫn chưa được quyết định.
Ngoài ra, Na Uy cũng cam kết gửi 15 triệu USD cho Liên hợp quốc và OPCW hỗ trợ công tác tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria.
OPCW vẫn đang soạn thảo kế hoạch tiêu hủy các kho vũ khí hóa học này. Đan Mạch cũng đang xem xét cung cấp sự hỗ trợ giống Na Uy và đang chờ quốc hội phê chuẩn.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Syria ngày 14/11 tố cáo các lực lượng chống đối đang gia tăng các cuộc tấn công không chủ đích bằng súng cối vào các thành phố và thị trấn ở nước này, gây thương vong cho dân thường vô tội.
Trong bức thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Bộ Ngoại giao Syria nêu rõ các cuộc tấn công bằng súng cối của phe đối lập là hành động khủng bố, gây thương vong cho dân thường và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Bộ trên kêu gọi cộng đồng quốc tế có tuyên bố rõ ràng đối với "các nhóm khủng bố và các lực lượng hậu thuẫn."
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Trung Đông cho biết Saudi Arabia đã quyết định tài trợ 300 triệu USD cho lực lượng đối lập Syria.
Số tiền này sẽ được giải ngân trong vòng sáu tháng, theo đó "chính phủ lâm thời Syria" sẽ được nhận ngân sách hàng tháng là 50 triệu USD.
Chính phủ lâm thời Syria, do Liên minh Dân tộc Syria (SNC) và các nhóm đối lập khác ở nước này thành lập, có trụ sở tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Ngày 11/11 vừa qua, trong một cuộc họp của SNC, các thành viên của lực lượng đối lập đã bầu ra 9 bộ trưởng và chọn ông Ahmed Taama làm thủ tướng./.