Chính phủ Pháp ngày 24/5 đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán và dỡ bỏ hàng rào phong tỏa của người biểu tình tại một nhà máy lọc dầu lớn ở miền Nam nước này trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối dự luật lao động mới đang đe dọa sẽ khiến nước Pháp tê liệt khi chỉ còn 3 tuần nữa là diễn ra Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016).
Cảnh sát chống bạo động đã tiến hành chiến dịch này tại nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu tại Fos-sur-Mer, bên bờ Địa Trung Hải gần thành phố Marseille.
Tuy nhiên, cảnh sát đã vấp phải sự kháng cự mạnh khi những người biểu tình ném nhiều vật thể vào lực lượng này. Va chạm đã khiến nhiều cảnh sát và người biểu tình bị thương. Hoạt động biểu tình tại các nhà máy lọc dầu do công đoàn CGT tổ chức.
Sáu trong số 8 nhà máy lọc dầu của Pháp đã phải ngừng hoạt động hoặc giảm sản lượng do các cuộc biểu tình và phong tỏa, khiến 1/5 số trạm tiếp nhiên liệu đang hoặc sắp cạn xăng dầu.
Một số địa phương tại khu vực phía Bắc và Tây Bắc của Pháp cũng đã buộc phải áp dụng chế độ phân phối xăng ở mức hạn chế.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Total của Pháp Patrick Pouyanne thậm chí cảnh báo tình hình sẽ khiến tập đoàn phải tiến hành đánh giá cẩn trọng các khoản đầu tư nội địa theo một chương trình tái cấu trúc.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên án hành động phong tỏa này của một nhóm nhỏ các nhà hoạt động. Ông Hollande tuyên bố sẽ tôn trọng các yêu cầu hợp pháp của các công đoàn tuy nhiên điều đó không có nghĩa ông sẽ chấp nhận hành động phong tỏa trên.
Cùng với Tổng thống Hollande, Thủ tướng Manuel Valls cũng cam kết không để nước Pháp bị "bắt làm con tin" và sẽ dỡ bỏ phong tỏa.
Làn sóng đình công, biểu tình tại Pháp bắt đầu từ tháng Ba nhằm phản đối dự luật cải cách lao động mà Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande đưa ra với nội dung tạo điều kiện cho các chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên, để giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp dai dẳng tại quốc gia này.
Các hoạt động biểu tình khiến giao thông hàng không, giao thông đường sắt đình trệ, gây bất ổn trong xã hội và kéo theo nhiều thiệt hại về kinh tế.
Mới đây, các tổ chức công đoàn cũng kêu gọi biểu tình toàn quốc trong ngày 26/5 để phản đối dự luật này trong khi các tổ chức công đoàn ngành đường sắt tuyên bố sẽ tiến hành đình công trong hai ngày liên tiếp 25-26/5.
Tình hình trên đe dọa sẽ gây bất ổn tại Pháp trong bối cảnh chỉ còn 3 tuần nữa, EURO 2016 sẽ chính thức khởi tranh, hàng trăm nghìn cổ động viên bóng đá sẽ tụ hội về Pháp để cùng tận hưởng bữa tiệc bóng đá này./.