Ngày 16/12, tại bãi biển Lộ Diêu, thôn Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ Tư lệnh Hải quân và Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hoài Nhơn long trọng tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và khánh thành Di tích Bến tàu không số Lộ Diêu, nơi cập bến của một con tàu không số từ miền Bắc chi viện vũ khí cho miền Nam.
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân, đại diện Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, huyện Hoài Nhơn và đông đảo cựu chiến binh, cựu chiến sỹ trên con tàu không số cùng người dân trong vùng tham dự sự kiện.
Lịch sử ghi nhận, Bến Lộ Diêu là một trong những điểm tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam bằng đường biển; là bến tiếp nhận vũ khí đầu tiên của Quân khu V, một trong những bến tàu đã tạo nên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Ngày 20/6/1964, đội tàu 401 được thành lập với 11 chiến sỹ, do Thuyền trưởng Phạm Vạn (quê ở tỉnh Quảng Ngãi) chỉ huy.
Ngày 14/9/1964, đội tàu xuất phát từ Hải Phòng để chi viện cho Quân khu V với 30 tấn vũ khí, 6 tấn chất nổ. Khi tàu "không số" (mang số hiệu 401 trong hồ sơ) ra khỏi cửa Nam Triệu thì gặp gió lớn, buộc phải quay lại.
Cụ Lê Văn Nốt, hiện trú tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, Hoài Nhơn (Bình Định), cựu chiến sĩ tàu không số trong chuyến đi đó, kể đến ngày 10/10/1964, đội tàu 401 lại xuất phát từ cảng Hải Phòng đi thẳng đến đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhưng lại gặp bão nên tạm lánh vào đảo. Ngày 25/10, tàu tiếp tục khởi hành vào miền Nam, trên hải trình tàu nhiều lần bị hỏng máy. Tàu ngụy trang đúng như tàu đánh cá của ngư dân.
Có lúc máy bay địch bám theo, Phó thuyền trưởng Trần Phấn liền cầm cờ ba sọc của chính quyền ngụy Sài Gòn ra hiệu là tàu đánh cá. Nhiều lần tàu không số đánh lừa được cả tàu tuần dương của địch. Khi tàu không số đến khu vực bến Lộ Diêu thì bị hỏng máy, cong bánh lái.
Sau nhiều lần sửa chữa không được, Thuyền trưởng Phạm Vạn quyết định cho tàu đâm thẳng vào bờ, huy động anh em thủy thủ bốc dỡ nhanh vũ khí ngay trong buổi sáng sớm 30/10. Sau khi chôn giấu vũ khí ở khu vực chân núi, cả đội thủy thủ đặt kíp nổ tiêu hủy tàu, đồng thời loan tin là tàu cá ngư dân bị đâm vào bờ và bị cháy. Sau khi cất giấu vũ khí an toàn, chỉ có Thuyền trưởng Phạm Vạn và nhân viên báo vụ của tàu ở lại.
Tàu "không số" (nhưng thực ra là tàu mang số hiệu 41) do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy, sau khi giao xong vũ khí tại bến Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) vào ngày 28/11/1964, đã quay ra Lộ Diêu đón các chiến sĩ của "tàu không số" 401 về miền Bắc.
Tàu không số cập bến Lộ Diêu là tàu không số vận chuyển vũ khí đầu tiên cho Quân khu V và là chuyến tàu không số duy nhất cập bến vùng biển Bình Định. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu không số là người tham gia vận chuyển 3 chuyến vũ khí vào tỉnh Phú Yên nói riêng và 12 chuyến vào miền Nam nói chung.
Ông cho biết chính những vũ khí do những con tàu không số mang vào đã góp phần tạo nên chiến thắng An Lão, Đèo Nhông-Dương Liễu, góp phần thay đổi cục diện chiến trường miền Nam để đi đến thống nhất đất nước.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Nhơn Cao Thanh Thương, Di tích Bến tàu không số Lộ Diêu được đầu tư 15,8 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 15.000m2. Điểm nhấn của di tích là một phần con tàu được làm bằng đá, mô phỏng con tàu không số năm xưa. Đây là nơi ghi nhớ công ơn của những chiến sỹ "tàu không số 401" và là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng đối với người dân huyện Hoài Nhơn./.