Ngày 21/6, tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn Cộng đồng thông minh Thế giới (ICF) với chủ đề "Phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự tăng trưởng trong cộng đồng."
Tham dự Diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi; đại diện cộng đồng thông minh thế giới họp trực tiếp và qua trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao việc Bình Dương tham gia vào Cộng đồng thông minh thế giới; đồng thời khẳng định xây dựng đô thị thông minh là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam bên cạnh các nhiệm vụ về phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số.
[Bình Dương cần vượt bẫy thu nhập trung bình, là hình mẫu cho tỉnh khác]
Bình Dương có cách tiếp cận đột phá, tiên phong trong việc xây dựng thành phố thông minh; tích cực tham gia và tích hợp vào cộng đồng thế giới, thể hiện tính chủ động trong công tác quản trị địa phương nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển đô thị thông minh.
Đặc biệt, địa phương đã triển khai một số mô hình, cách làm hay trong xây dựng đô thị thông minh như vận dụng mô hình 3 nhà (Nhà nước; Nhà doanh nghiệp; Nhà trường-Viện nghiên cứu) hay xây dựng mô hình 5 lớp đặc thù trong đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương từ quy hoạch hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giao thông đến xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển toàn diện, cân bằng nền kinh tế; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển và thu hút nguồn nhân lực.
Mô hình này cần được nhân rộng để các tỉnh, thành phố khác học hỏi nhằm định hình đổi mới sáng tạo, mở ra động lực phát triển.
Ông Trần Tuấn Anh yêu cầu địa phương luôn giữ tinh thần đổi mới sáng tạo, không tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức để khắc phục các hạn chế, bất cập; bám sát các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững.
Tỉnh phát huy tính chủ động, sáng tạo, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự hợp tác của quốc tế trong tổ chức thực hiện Đề án thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025, thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Địa phương cần tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn và phát triển Bình Dương ngày một "thông minh" hơn, tốt đẹp hơn và đáng sống hơn.
Theo ông Louis Zacharilla - đồng sáng lập Diễn đàn Cộng đồng thông minh Thế giới, Diễn đàn có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hiện nay, khu đô thị và thành phố thông minh đang phát triển mạnh mẽ tại Bình Dương (Việt Nam).
Sự đổi mới này cho phép người lao động sáng tạo hơn, làm việc trong môi trường tốt hơn, thoải mái hơn; từ đó tạo ra các loại hình kinh doanh mới hiệu quả hơn và giúp xã hội ngày càng đi lên.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết từ năm 2016, Bình Dương đã xây dựng Đề án thành phố thông minh Bình Dương nhằm tạo cơ chế chuyển giao tri thức trong xã hội giữa Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp; từ đó kích thích sự sáng tạo trong nền kinh tế, tạo ra sự thay đổi tác động tới mọi tầng lớp xã hội.
Bình Dương chủ động tham gia kết nối sâu rộng vào cộng đồng quốc tế để tìm kiếm những cộng đồng có cùng quan điểm phát triển nhằm chia sẻ và học hỏi lẫn nhau; đó là lý do tỉnh đã trở thành thành viên của Diễn đàn Cộng đồng thông minh Thế giới.
Tham gia Diễn đàn giúp Bình Dương kết nối và học hỏi từ đô thị, cộng đồng thông minh khác; qua đó khẳng định và tiếp tục kiên trì với định hướng theo hướng phát triển thông minh của tỉnh.
Diễn đàn Cộng đồng thông minh Thế giới gồm gần 200 đô thị thông minh thịnh vượng; tiến hành nghiên cứu và đánh giá hàng trăm thành phố trên thế giới để lựa chọn ra top 21 (Smart 21) của năm 2022 có chiến lược phát triển thành phố thông minh dựa theo bộ 6 tiêu chí của ICF đưa ra bao gồm kết nối-băng thông rộng; lực lượng lao động; đổi mới sáng tạo; bình đẳng tiếp cận kỹ thuật số; ủng hộ khích lệ và bền vững./.