Ông Ugur Sahin - nhà đồng sáng lập hãng dược phẩm BioNTech của Đức ngày 22/12 thông báo vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hãng và hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ phát triển, có khả năng cao chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện tại Anh và trong trường hợp cần thiết, hãng có thể phát triển vắcxin chống lại biến thế này trong vòng 6 tuần.
Theo ông Ugur Sahin, xét theo khoa học, vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech vẫn có khả năng cao kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch trong cơ thể chống lại biến thể VUI-2020/12/01.
Tuy nhiên, ông cho biết BioNTech hoàn toàn có khả năng phát triển ra một vắcxin mới đầy đủ yếu tố kỹ thuật trong vòng 6 tuần.
Hiện cả Pfizer và Moderna - hãng dược phẩm của Mỹ, đều thông báo đang thử nghiệm tính hiệu quả của vắcxin ngừa COVID-19 hiện nay chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Cũng trong thông báo ngày 22/12, Giám đốc kinh doanh cua BioNTech, Sean Marett cho biết đến cuối năm 2020, Pfizer/BioNTech sẽ cung cấp 12,5 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 cho Liên minh châu Âu, trong khi Mỹ dự kiến sẽ tiếp nhận 20 triệu liều vắcxin của liên doanh này cũng trong thời gian này.
[Các nước tăng cường biện pháp phòng COVID-19 do lo ngại biến thể mới]
Cùng ngày 22/12, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết cơ quan quản lý dược phẩm của nước này sẽ cấp phép lưu hành vắcxin ngừa COVID-19 vào ngày 26/12 sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép lưu hành vắcxin của Pfizer and BioNTech. Pháp sẽ nhanh chóng triển khai chương trình tiêm chủng 1 ngày sau đó.
Người đứng đầu Bộ Y tế Pháp khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy biến thể mới của SARS-CoV-2 ở Anh đã xuất hiện tại Pháp, qua đó bác bỏ những thông tin trái chiều trước đó.
Liên quan đến phát triển vắcxin, Bharat Biotech - nhà sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 tiềm năng hàng đầu của Ấn Độ, cho biết công ty đang tuyển tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm vắcxin trên diện rộng ở giai đoạn 3.
Bharat Biotech muốn thử nghiệm vắcxin của hãng trên 26.000 người, tức gấp 2 lần quy mô cuộc thử nghiệm trước đó được Chính phủ Ấn Độ bảo trợ.
Trong khi đó, theo AFP, Đức ngày 22/12 đã gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Anh và Nam Phi cho tới ngày 6/1 sau khi một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại 2 nước này.
Thông báo của Bộ Y tế Đức cho biết: "Lệnh cấm được áp dụng với các hành khách đi bằng tàu hỏa, xe buýt, tàu và máy bay thẳng từ các nước này. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 22/12/2020 đến ngày 6/1/2021."
Thông báo cũng cho biết thêm những người sở hữu giấy phép cư trú có hiệu lực có thể nhập cảnh vào Đức từ ngày 1/1.
Cùng ngày, giới chức y tế Đức cũng cảnh báo nhiều khả năng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Đức. Tuy nhiên chưa có số liệu nào về vấn đề này./.