Bitcoin - đại diện của một nền kinh tế dựa trên 'lòng tin'?

Sự xuất hiện của đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin và hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số liên quan được tranh luận nhiều trong xã hội, đặc biệt là trong giới kinh tế và tài chính.
Bitcoin - đại diện của một nền kinh tế dựa trên 'lòng tin'? ảnh 1Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhật báo Pháp La Tribune mới đây đăng bài viết về đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin của Yann Le Floch, chuyên gia tư vấn của ngân hàng Maslow Capital Partners - ngân hàng châu Âu chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư cho các công ty công nghệ và truyền thông.

Theo tác giả, sự xuất hiện của đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin và hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số liên quan được tranh luận nhiều trong xã hội, đặc biệt là trong giới kinh tế và tài chính.

Tiền hay không phải là tiền?

Tiền được định nghĩa một cách cổ điển như một phương tiện trao đổi, một kho lưu trữ giá trị và một đơn vị tài khoản, một định nghĩa thường gắn liền với Aristotle.

Theo cách hiểu này, Bitcoin có được tính là một phương tiện trao đổi, đặc biệt là trong hệ sinh thái khởi nghiệp kỹ thuật số.

Ví dụ, một giám đốc doanh nghiệp trả thù lao cho đội ngũ các nhà phát triển ở Pakistan bằng Bitcoin.

Theo cách tương tự, một Pháp kiều ở Venezuela, Liban hay Mali chẳng hạn, có thể đặt hàng các mặt hàng hoặc sản phẩm công nghệ khác nhau và thanh toán bằng Bitcoin, thay vì bằng đồng nội tệ của nước đó hoặc USD.

[Giá trị đồng tiền Bitcoin giảm thấp nhất trong 2 tuần qua]

Đây là một thực tế đang bắt đầu được củng cố ở một số nền kinh tế. Hoạt động chuyển Bitcoin quốc tế được thực hiện ngay lập tức, cho bạn bè, gia đình, xuyên biên giới, bất cứ nơi nào kết nối với Internet và với chi phí không thể cạnh tranh hơn.

Nền kinh tế kỹ thuật số đã chấp nhận việc sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán và như một công cụ để trao đổi các dịch vụ và sản phẩm.

Bitcoin có phải là một kho lưu trữ giá trị?

Câu trả lời là có thể là có, đặc biệt là trong trường hợp giá của đồng tiền này tăng mạnh trong khi dự trữ cổ phiếu truyền thống, quỹ A (một loại hình tiết kiệm phổ biến ở Pháp, được miễn thuế và khấu trừ bắt buộc), bảo hiểm nhân thọ, quỹ tiết kiệm, đôi khi bị mất giá do lạm phát, phí quản lý và đôi khi là các tình huống tài chính dưới mức tối ưu.

Bitcoin là một kho lưu trữ giá trị dễ thay đổi, nhưng trong trung và dài hạn, đồng tiền này đã được chứng minh là một kho giá trị thực sự.

Sự biến động của Bitcoin là khá cao, nhưng cần lưu ý rằng cùng với việc sử dụng cái gọi là đồng tiền ổn định được gắn với đồng USD (như các loại tiền ảo Tether, DAI, USD Coin, Paxos), việc hạch toán tiền điện tử ngày nay hoàn toàn có thể thực hiện được trong hệ sinh thái tiền tệ kỹ thuật số.

Do đó, Bitcoin và hệ sinh thái của các tài sản tiền điện tử liên quan đã xuất hiện như một loại tiền tệ mới, thể hiện các đặc điểm mạnh mẽ của một loại tiền ngày càng được sử dụng phổ biến hơn.

Mô hình của niềm tin

Trong hơn 10 năm, Bitcoin và hệ sinh thái của các tài sản kỹ thuật số liên quan, đã có thể tạo ra một không gian kinh tế và tài chính trị giá khoảng 1.000 tỷ USD, tương đương với sức mạnh tiền tệ của một nhà nước. Điều gì đã thúc đẩy việc tạo tân "kiến trúc" kinh tế và tài chính này?

Chính nhờ niềm tin vào một tài sản kinh tế và tài chính, Bitcoin và rất nhiều loại tiền điện tử khác được tạo ra tiếp theo như Ethereum, Polkadot… Các phương tiện truyền thông thường nhắc đến những thuật ngữ như "niềm tin sẽ trở lại," "cần bảo vệ niềm tin," "niềm tin trong nền kinh tế," "cần phải có niềm tin." Tại sao lại nói về niềm tin, và hơn nữa là tin vào ai và tin vào cái gì?

Bitcoin - đại diện của một nền kinh tế dựa trên 'lòng tin'? ảnh 2Đồng tiền điện tử Bitcoin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thuật ngữ niềm tin này có thể được hiểu là ngày mai sẽ tốt đẹp hơn theo một triết lý cổ điển về tăng trưởng kinh tế, về chi tiêu cho các mục đích sử dụng hiện tại và các cam kết tài chính, về việc duy trì công việc của một người lao động hoặc thù lao trong hoạt động kinh tế của người đó, về việc duy trì hoặc phát triển các hoạt động của một công ty hoặc một người sử dụng lao động. Nói tóm lại, đằng sau thuật ngữ "hãy tự tin" này, một lời hứa về cuộc sống kinh tế tốt hơn được gửi đến chúng ta trong cái gọi là "niềm tin."

Vậy nên khi niềm tin vào một thế giới tốt đẹp hơn theo nghĩa kinh tế và vật chất xuất hiện, điều đó có nghĩa là sự tin tưởng rằng ngày mai bạn sẽ có nhiều của cải hơn, bạn sẽ sống tốt hơn, giá trị của cải của bạn sẽ được đánh giá theo cùng một cách từ quan điểm tài chính, trong đó tài sản được coi là phản ánh của sự giàu có về kinh tế.

Theo truyền thống, niềm tin này, cái mà một số người ngày nay gọi là "thị trường của những lời hứa" được thể hiện bằng niềm tin rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt nhất.

Như vậy, công việc sẽ mang lại cho bạn nhiều tiền hơn, và bạn đầu tư cho bản thân, nhà cửa của bạn sẽ có giá trị cao hơn, và mai sau, số tiền tiết kiệm cho phép bạn có cuộc sống tốt hơn trong tương lai. Logic này là một trong những bản chất của chủ nghĩa tư bản theo quan điểm kinh tế vĩ mô.

Nếu các trò chơi kinh tế và tài chính có thể được quản lý một cách cân bằng, thì logic này sẽ được áp dụng.

Những gì chúng ta đang quan sát được thông qua Bitcoin là sự nổi lên của một hệ thống tài chính, với việc con người tìm kiếm niềm tin mới bằng cách tạo ra vốn mới và một đồng tiền được giao dịch tiện lợi hơn.

Và đó chính là sự xuất hiện của các công nghệ DLT mới (công nghệ sổ cái phân tán) cho phép tạo ra trải nghiệm tiền tệ, tài chính và kinh tế mới. Công nghệ hiện có thể tạo ra vốn, của cải và niềm tin. Và đây có lẽ chỉ là sự khởi đầu của một hiện tượng cơ bản trong lịch sử kinh tế và tài chính.

Trong quá khứ, vàng và kim loại quý được coi là cơ sở của tiền tệ và của cải với việc các quốc gia trên toàn thế giới tăng cường dự trữ vàng.

Sau đó, một nền kinh tế tiền tệ và tài chính dựa trên tiền giấy xuất hiện và trong những thế kỷ tiếp theo, đã có sự chuyển đổi dần từ vốn dựa trên tài sản bằng vàng sang vốn dựa trên tài sản bằng tiền giấy.

Ngày nay, chúng ta có thể quan sát thấy việc tìm kiếm các hình thức vốn mới như vốn dựa trên tiền kỹ thuật số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.