Bộ Công Thương: Doanh nghiệp đầu mối tự xác định giá bán lẻ sữa

Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai trong trường hợp không áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai (trong trường hợp không áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc đăng ký giá đối với mặt hàng sữa (trong trường hợp áp dụng biện pháp bình ổn giá) với Bộ Công Thương, đồng thời thông báo hệ thống phân phối của mình với Bộ Công Thương.

Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công Thương sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.

"Mức giá này sẽ là mức giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối, các đơn vị phân phối dưới sự giám sát của các thương nhân đầu mối nêu trên, đồng thời chịu sự kiểm soát của các lực lượng chức năng trên địa bàn kinh doanh," đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Đầu mối quản lý vẫn chưa tập trung

Từ đầu năm 2017, việc quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được chuyển giao từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm, cơ quan này đã tiếp nhận bàn giao danh sách các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mức giá các doanh nghiệp đã đăng ký, kê khai từ Sở Tài chính.

Số liệu mới nhất đến cuối tháng 2/2017, Sở Công Thương đã tiếp nhận một hồ sơ đề nghị xác định giá tối đa, đăng ký giá đối với 6 sản phẩm sữa mới của Công ty Cổ phần sữa sức sống Việt Nam.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, sau khi tiếp quản từ Sở Tài chính, Sở Công Thương đã đã rà soát danh mục các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

​Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công Thương cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội rà soát, tổng hợp danh sách 729 các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, việc kiểm soát mặt hàng này bước đầu còn khó khăn, cụ thể theo chia sẻ của bà Trần Thị Phương Lan, trước ngày 1/1/2017 Sở Tài Chính là cơ quan được giao chủ trì thực hiện quản lý vấn đề trên, vì vậy, các nhiệm vụ quản lý giá với các mặt hàng này phần lớn giao cho phòng Tài chính- Kế hoạch thuộc Ủy ban các quận, huyện và chỉ một số nơi được giao cho phòng Kinh tế.

"Ủy ban nhân dân các quận, huyện chưa thống nhất được đầu mối đơn vị thực hiện ở cấp quận, huyện nên khó khăn trong việc triển khai đôn đốc thực hiện. Bên cạnh đó, việc báo cáo tháng theo quy định của Uỷ ban nhân dân các quận, huyện chưa đi vào nề nếp nên Sở Công Thương khó khăn trong việc tổng hợp số liệu," bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

​Một vướng mắc nữa, theo bà Trần Thị Phương Lan là việc tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị xác định giá tối đa của sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại địa phương.

Bà Lan cho rằng, đối với các doanh nghiệp đề nghị xác định giá tối đa của các sản phẩm sữa mới, do doanh nghiệp không cung cấp được cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ tài liệu về “quy cách phẩm chất” của các sản phẩm tương đương đã được công bố giá tối đa mà doanh nghiệp chọn để so sánh về giá nên cơ quan tiếp nhận hồ sơ tại địa phương không có căn cứ để rà soát.

Do vậy, để thực hiện hiệu quả công tác quản lý giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và giá thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, bà Trần Thị Phương Lan kiến nghị Bộ Công Thương cần định hướng thống nhất đầu mối nhận phân cấp triển khai nhiệm vụ quản lý vấn đề trên tại Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã là Phòng Kinh tế theo ngành dọc để thực hiện thống nhất trong cả nước.

Đồng thời, liên bộ cần xây dựng quy trình phối hợp, cung cấp thông tin về Giấy chứng nhận Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và sản phẩm thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Bộ Y tế giữa Bộ Công Thương, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) và Sở Công Thương các địa phương để có tài liệu làm căn cứ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý giá sữa đối với mặt hàng này.

Sẽ có thông tư quản lý giá sữa

Liên quan đến việc quản lý mặt hàng này, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo đó, việc quy định về quản lý giá sữa tại thông tư này nhằm hướng dẫn việc quản lý giá sữa cho ngành Công Thương, nội dung hoàn toàn dựa trên các quy định đã có về quản lý giá và quy định về hoạt động kinh doanh hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường nói chung. Quy định này sẽ áp dụng chung cho tất cả các đối tượng thương nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam (không có sự phân biệt đối xử).

Về đối tượng điều chỉnh, Thông tư dự kiến sẽ bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sữa trong nước; doanh nghiệp, hợp tác xã nhập khẩu; thương nhân phân phối, bán lẻ sữa); các cơ quan quản lý nhà nước cơ liên quan.

Theo đánh giá của Vụ thị trường Trong nước, Bộ Công Thương, với phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả... Đồng thời, xác định được trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.

Làm rõ thêm, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, việc quy định về quản lý giá sữa hiện nay không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường sữa, các biện pháp quản lý giá sữa chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng là trẻ em dưới 6 tuổi, việc giữ giá sữa thấp sẽ làm tăng khả năng tiếp cận mặt hàng sữa với chất lượng tốt cho các đối tượng là trẻ em ở Việt Nam.

Khi giá bán hợp lý hơn, có thể hỗ trợ tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nên không làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường của các đối tác tham gia thị trường sữa trong đó có rất nhiều đối tác nước ngoài.

Ông An cho hay, sau khi tự xác định mức giá bán lẻ và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ phải thông báo tới hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý nhà nước giám sát. Doanh nghiệp cũng phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước.

Theo ông An, cơ quan quản lý mà trực tiếp là Bộ Công thương, sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.

"Về lâu dài, Vụ Thị trường trong nước sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong kinh doanh đối với mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới sáu tuổi để xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh cao cho mặt hàng này. Qua đó giá sản phẩm sẽ tự được điều chỉnh theo các quy luật thị trường về mức hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm nguyên tắc kinh tế thị trường,” ông Nguyễn Lộc An nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục