Bộ Công thương: Hồ thủy điện góp phần giảm lũ

Việc thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên xả lũ làm ngập lụt lớn ở vùng hạ du trong đợt lũ lụt vừa qua là chưa phản ánh khách quan thực trạng.
Khu dân cư ở xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế ngập sâu trong nước. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo của tám tỉnh miền Trung và các Bộ, ngành về vấn đề lũ lụt ở miền Trung liên quan đến thủy điện.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã có đánh giá chung là hồ thủy điện góp phần giảm lũ chứ không thể gây lũ.

Nhiều đại biểu khẳng định việc cho rằng một số nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên xả lũ làm ngập lụt lớn ở vùng hạ du, gây thiệt hại lớn về người và tài sản trong đợt lũ lụt vừa qua là chưa phản ánh đầy đủ, khách quan thực trạng.

Nguyên nhân chính và chủ yếu gây ra lũ lụt tại khu vực này vừa qua là do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn. Nhiều nơi lũ vượt mức lịch sử, gây thiệt hại nặng nề đối với một số tỉnh ở khu vực này.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và của chủ đầu tư các nhà máy thủy điện trong khu vực này cho thấy việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đã thực hiện đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình của từng hồ đã được phê duyệt. Thậm chí các dự án thủy điện đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông, mặc dù các hồ chứa này theo thiết kế không có nhiệm vụ chống lũ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ nhận định, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh không xả lũ hay gây lũ nhân tạo khiến "lũ chồng lũ" trong đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua.

Trong đợt mưa lũ này, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có ba hồ thủy điện đang khai thác và chuẩn bị khai thác gồm Hà Nang, Đăkdrinh, Nước Trong đều để tràn tự do với mức 0,6-0,8m và không xả lũ. Tình trạng nước dâng đột ngột là do mưa quá lớn lại diễn ra trong thời gian ngắn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cũng cho biết thời điểm xảy ra mưa lớn, hầu hết 73 hồ thủy lợi của tỉnh đều cho chảy qua tràn tự do, ba hồ cho xả tràn xả sâu với lưu lượng nhỏ.

Đặc biệt, đối với bốn hồ thủy điện, tỉnh Quảng Nam giám sát chặt chẽ, có đường theo dõi quá trình lũ của từng hồ. Trong các thời điểm, mức nước xả đều thấp hơn mức nước đến các hồ.

Cụ thể, lúc đỉnh điểm nước về hồ Đăk Mi 4 đạt 4.360 m3/giây, mức xả là 3.900 m3/giây, hồ A Vương 898 m3/giây, mức xả 871 m3/giây.

Minh chứng cho điều này, từ 5 giờ ngày 15/11, lũ về hồ chứa của thủy điện Sông Tranh 2 lên nhanh. Trong 7 giờ đầu lưu lượng nước về hồ từ 291 m3/giây đến 12 giờ 45 cùng ngày đạt đỉnh 8.333 m3/giây (tương ứng với đỉnh lũ lớn nhất có chu kỳ lập lại khoảng 70 năm), lưu lượng xả tại thời điểm này là 2.115 m3/giây.

Theo báo cáo, trong 12 giờ đầu của trận lũ, hồ Sông Tranh 2 đã cắt/giảm được 63% lượng nước lũ. Như vậy hiệu quả cắt/giảm lũ của hồ là tích cực.

Bên cạch đó, hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 cũng cắt được tới 10,6% lưu lượng đỉnh lũ; tại hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ cắt được 26% lưu lượng đỉnh lũ.

Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng khẳng định trước khi thủy điện phát triển, trong lịch sử đã có rất nhiều trận lũ lớn như năm 1999 hoặc 2009. Vì vậy, không thể cứ có lũ lớn là đổ lỗi cho hồ thủy điện.

Cơn bão số 15 vừa qua diễn ra từ ngày 14-17/11 đã xuất hiện mưa lũ lớn, thậm chí là rất lớn với lượng mưa từ 200mm đến gần 1.000mm và xảy ra trên diện rộng. Những cơn mưa liên tiếp đã khiến tổng lượng nước dồn vào các hồ quá lớn.

Theo ông Bùi Minh Tăng, mặc dù trước mỗi trận bão, hầu hết các hồ thủy điện, thủy lợi đều được lệnh xả bớt đưa mực nước xuống thấp hơn bình thường để chuẩn bị tích nước cắt lũ, nhưng nếu nước về vượt quá sức chứa của hồ thì buộc phải xả tràn để giữ đập.

Tuy nhiên, việc xả tràn của hồ bao giờ cũng thấp hơn lưu lượng nước về. “Vì vậy, hồ thủy điện chỉ góp phần giảm lũ chứ không thể gây lũ,” ông Tăng nhấn mạnh.

Ông Bùi Minh Tăng còn cho biết với địa hình miền Trung có độ dốc cao, các hồ thủy lợi, thủy điện trong khu vực thường có dung tích nhỏ, ít khả năng chống chọi với mưa lớn cục bộ và chức năng điều tiết nước không cao đối với hạ du.

Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng) Đỗ Đức Quân, đánh giá việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã và đang góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Riêng năm 2012, các nhà máy thủy điện đã đóng góp tới 48,26% công suất và 43,9% sản lượng điện (khoảng 53 tỷ kWh) cho hệ thống điện quốc gia. Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo và giá thành rẻ hơn các nguồn điện khác.

Bên cạnh đó, việc phát triển thủy điện cũng đã góp phần tích cực trong vấn đề tạo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân vùng hạ du, bởi các hồ thủy điện chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước (56/65 tỷ m3).

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng theo báo cáo của các địa phương thời gian vừa qua, các chủ hồ cơ bản đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong vận hành các hồ chứa thủy điện.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đưa các quy trình này vào thực hiện khi các nội dung phê duyệt liên quan đến các quy trình đó không phải là hoàn toàn lý tưởng. Do đó, trong thời gian tới, cần xem xét kỹ hơn quy trình vận hành, đặc biệt là vận hành liên hồ chứa; trong đó có hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Nếu phát hiện sai sót, Bộ sẽ yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa.”

Về các giải pháp phát triển thủy điện trong thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết sẽ tiếp tục rà soát để bổ sung sửa đổi quy hoạch thủy điện để quy hoạch thực sự bám sát với cuộc sống, để các dự án nằm trong quy hoạch đảm bảo tính khả thi và đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế-xã hội, không xem nhẹ bất cứ vấn đề nào.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ rà soát lại các công trình hiện nay đang triển khai xây dựng để đảm bảo các yêu cầu, nhất là chất lượng công trình, an toàn công trình; trong đó có an toàn hồ đập và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Còn đối với các chủ đầu tư, đặc biệt các chủ đầu tư dự án thủy điện vừa và nhỏ đang thực hiện việc xây dựng, nếu không đảm bảo chất lượng, không thực hiện nghiêm túc việc đền bù trồng rừng, chi trả đền bù di dân tái định cư sẽ kiên quyết dừng công trình để đến khi khắc phục xong mới cho tiếp tục triển khai.

Đối với các dự án đã được cấp phép nhưng chưa triển khai cần tiếp tục cho rà soát lại, nếu xét thấy chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, năng lực quản lý, năng lực về vận hành có thể bị thu hồi quyết định đầu tư.

Đối với những dự án đã được xây dựng và đưa vào vận hành hoặc chuẩn bị vận hành nhưng chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật như an toàn đập, kiểm định chất lượng công trình, trồng bù rừng, quy trình vận hành, cắm mốc an toàn đập, Cục Điều tiết điện lực sẽ không cấp giấy phép hoạt động điện lực và kiên quyết không cho phát điện. Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục rà soát để điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hồ chứa.

Riêng đợt lũ vừa qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu Tổng cục Năng lượng, Cục An toàn môi trường, Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát lại việc thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa, nếu phát hiện trường hợp nào sai phạm sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề xuất: “Thậm chí nếu vi phạm gây ra hiệu quả nghiêm trọng phải có biện pháp xử lý phù hợp với pháp luật và chuyển cho cơ quan chức năng giải quyết”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục