Mưa lũ vẫn đang gây ngập lụt nặng tại Thừa Thiên-Huế. Đường Nguyễn Chí Thanh nối thành phố Huế với huyện Quảng Điền ngập sâu từ 0,3m-1,2m, phải ngồi thuyền vượt lũ mấy tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm huyện lỵ.
Giữa mênh mông biển lũ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Điền Hồ Văn Minh cho biết toàn huyện có hơn 3.500 ngôi nhà bị ngập; nặng nhất là những địa phương nằm ven phá Tam Giang như xã Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành, nhiều nơi ngập sâu từ 0,5-1m.
Các tuyến tỉnh lộ 4b, đường Nguyễn Chí Thanh dẫn về các địa phương vũng trũng bị ngập sâu, các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm bị ngập từ 0,2 đến 0,5m gây trở ngại cho giao thông đi lại.
Các tuyến đường liên xã dọc theo sông Bồ như Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước, Quảng Vinh, Quảng Phú (huyện Quảng Điền) cũng ngập từ 0,3-0,7m.
Đặc điểm của lũ năm nay là nước lên quá nhanh, do mưa như trút nước, có lúc lên đến 300-400mm gây ngập lụt nặng, người dân trở tay không kịp.
Tại các xã vùng hạ lưu sông Bồ như Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Phước, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ cuối giờ chiều ngày 15/11, nước lũ đã bắt đầu dâng cao, nhiều nhà dân bị ngập sâu.
Tuyến đê Nho Lâm-Nghĩa Lộ không còn làm được nhiệm vụ ngăn lũ, nhiều đoạn bị tràn. Trong mưa lũ, Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Điền đã huy động lực lượng Bộ chỉ huy quân sự huyện, lục lượng dân quân tự vệ và sử dụng hơn 2.500 bao tải, 60 rọ thép để gia cố, xử lý chống sạt lở đê.
Trong khi đó, hơn 2.000m tuyến đê khác bao quanh các khu dân cư thuộc hai xã Quảng Thọ, Quảng Phú có nguy cơ bị vỡ.
Chính quyền huyện Quảng Điền đã khẩn trương huy động trên 500 nhân công tham gia hộ đê ngay sau thời điểm xảy ra sự cố, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn có tuyến đê bao quanh.
Để đối phó với tình hình mưa lũ có thể còn kéo dài, việc huy động sức mạnh "4 tại chỗ" ở Quảng Điền được phát huy hơn bao giờ hết. Ngoài việc hộ đê, công tác bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân được huyện quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Các địa phương triển khai lực lượng, phương tiện, thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường, đoạn sông xung yếu để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân qua lại; không để người dân chủ qua đi lại vớt củi, bủa lưới đánh cá trong mưa lũ.
Mỗi gia đình ở vùng trũng Quảng Điền được chính quyền địa phương khuyến cáo dự trữ lương thực ít nhất đủ ăn trong 7 ngày; phương án này đang phát huy hiệu quả, vì cùng với nước lũ dâng cao là mất điện, có thóc trong nhà cũng không xay xát thành gạo để nấu cơm được.
Ông Hoàng Vọng, Phó ban Phòng chống lụt bão huyện Quảng Điền, cho biết tại vùng rốn lũ xã Quảng Thành, mưa lũ cuốn trôi và gây úng, thối hơn 300ha rau màu.
Ngoài chủ động di dời những hộ dân có nhà bị ngập nặng, xã còn chuẩn bị được 5.000 gói mỳ tôm, 2 tấn gạo cùng cơ số dầu thắp sáng (ngoài dự trữ trong dân), để đề phòng mưa lũ dài ngày. Ở đây, không chỉ có Quảng Thành mà địa phương nào cũng có phương án chủ động để đối phó với mưa lũ như vậy.
Mưa như trút nước, đạt trên 600mm tại huyện Phú Lộc trong 2 ngày 15,16/11; riêng điểm Bạch Mã đạt 636mm đã làm ngập cục bộ nhiều đoàn đường trên tuyến Quốc lộ 1A. Sông Bù Lu đoạn qua thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc bị sạt lở dài 150m sâu vào 15m, đe dọa nghiêm trọng đến 17 hộ dân.
Ngày 16/11, Đồn biên phòng Chân Mây đã triển khai lực lượng cùng chính quyền địa phương di dời các hộ dân này đến nơi an toàn.
Tại Hồ Truồi, Phú Lộc, hiện nay lượng nước thượng nguồn đổ về hồ khá lớn, nhưng hiện hồ không tích nước và xả chảy tự nhiên kéo theo lượng rác lớn làm tắc cửa xả, gây mất an toàn cho đập.
Có mặt chỉ huy bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phú Lộc, Đại tá Lê Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, do mưa lớn đã làm cắt đường nhiều đoạn trên tuyến Quốc lộ 1A tại Km867 đoạn xã Lộc Trì đến thị trấn Phú Lộc đã bị ngập cục bộ làm hàng ngàn phương tiện giao thông xe máy, ôtô bị kẹt và di chuyển khó khăn trong nhiều giờ liền.
Để kịp thời thông tuyến, Công an tỉnh đã bố trí lực lượng tại 26 chốt, chủ động điều hòa giao thông, đồng thời cắt đường, giải tỏa hơn 300 xe đến 5 giờ sáng ngày 16/11 mới cho lưu thông, đảm bảo an toàn.
Hiện nay, tại đèo Phước Tượng, huyện Phú Lộc đang có 5 điểm sạt lở xuống đường, trong đó 3 điểm sạt lở nghiêm trọng, lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt để điều tiết giao thông và đặt các biển cảnh báo, đơn vị quản lý giao thông đường bộ đã kịp thời đưa phương tiện giải phóng các điểm sạt lở để không gây tắc đường, đảm bảo thông suốt tuyền đường Quốc lộ 1A.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến sáng 18/11, toàn tỉnh có khoảng 12.000 nhà bị ngập lụt; nặng nhất là huyện Quảng Điền với hơn 3.500 ngôi nhà bị ngập; còn lại là thành phố Huế 3.820 nhà; huyện Phong Điền 1.240 nhà; thị xã Hương Thuỷ 1.806 nhà; thị xã Hương Trà: 850.
Nhiều vùng giao thông bị chia cắt, đi lại chủ yếu bằng thuyền; công tác cứu trợ nhân dân vùng lũ vì thế bị hạn chế rất nhiều.../.