Liên quan đến sự cố vỡ đê quai thủy điện Ia Krel 2 tại tỉnh Gia Lai, tại Hội nghị giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức sáng 4/8, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện và thủy điện, Bộ Công Thương phải có chỉ đạo dù được phân cấp hoặc ủy quyền hay không và phải vào cuộc.
Nhấn mạnh với lãnh đạo các Vụ, Cục về trách nhiệm của Bộ Công Thương, bộ trưởng nói: "Các đồng chí đừng có nói chỉ là việc vỡ đê quai hay vỡ đập, người dân chỉ biết rằng vỡ thủy điện và hậu quả là như vậy."
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, ngay sau vụ việc xảy ra, Bộ đã chỉ đạo Thứ trưởng Lê Dương Quang đến làm việc với tỉnh Gia Lai để phối hợp giải quyết.
"Chưa nói gì đến tỉnh, Sở Công Thương, đơn vị thi công, hay chủ đầu tư mà trước hết Bộ Công Thương cũng cần có trách nhiệm khi sự việc xảy ra," bộ trưởng nói.
Báo cáo tại Hội nghị giao ban, ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, đây chỉ là sự cố vỡ đê quai đập thủy điện Ia Krel 2 chứ không phải vỡ đập chính như 1 số thông tin trước đó đã nêu.
Ước tính thiệt hại sau sự cố trên gồm 27 tròi dãy bị trôi, 400 ha hoa mầu bị ngập, giá trị khoảng 500 triệu đồng (không có thiệt hại về người). Hiện các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục công việc đánh giá thiệt hại.
Theo ông Vinh, báo cáo sơ bộ sau cuộc họp giữa Sở Công Thương Gia Lai chủ trì phối hợp và Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh cũng như chính quyền các huyện gửi cho Bộ Công Thương có đưa ra lý do: "Nguyên nhân khách quan là do nước lũ về quá lớn còn nguyên nhân chủ quan là do quá trình thi công chủ đầu tư chưa có phương án thoát lũ hợp lý. Còn các tính toán khác trong quá trình thi công như phương án thoát lũ có đảm bảo hay không; Đê quây có đảm bảo chống được lũ hay không vẫn đang được các đơn vị làm rõ," ông Vinh nói.
Về những quy trình tiếp theo, lãnh đạo Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp báo cáo: "Sắp tới như thế nào sẽ phải chờ các cơ quan chức năng của địa phương làm rõ, cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương sẽ phối hợp để cung cấp thông tin cũng như phương án thi công để đảm bảo độ thoát lũ..." ông Vinh báo cáo thêm.
Dự án thủy điện Ia Krel 2, công suất 5,5MW, được khởi công xây dựng từ cuối năm 2009 do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cấp phép đầu tư và địa điểm xây dựng tại huyện Đức Cơ.
Công trình này do Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Do dự án đang trong quá trình xây dựng nên chưa được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Đập chính hoàn thành và bắt đầu tích nước từ đầu tháng 5/2013. Tuy nhiên, trong quá trình tích nước, một đoạn đập thủy điện Ia Krel 2 đã bị vỡ vào ngày 12/6/2013. Sau sự cố vỡ đập chính, thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư đã hoàn thành các thủ tục và được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đồng ý cho phép tổ chức thi công lại để sửa chữa, khắc phục sự cố vỡ đập.
Sau hơn một năm, ngày 1/8/2014, đập lại gặp sự cố lần 2 khi mực nước hồ chứa đã vượt qua cao trình đỉnh đê quai thượng lưu đập (cao trình 204,8m) gây xói lở và làm vỡ hoàn toàn đê quai thượng lưu. Trong quá trình mực nước hồ chứa gia tăng, mặc dù chủ đầu tư đã chủ động nổ mìn phá bỏ khoảng 7m đập tràn (đã xây dựng) để tăng khả năng thoát lũ của hồ chứa nhưng sự cố vỡ đê quai thượng lưu đập vẫn xảy ra.
Ngay sau sự cố, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp yêu cầu Sở Công Thương Gia Lai có báo cáo về sự cố trên, đồng thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu chỉ đạo làm rõ nguyên nhân trách nhiệm và nếu thấy rằng việc xảy ra là sai phạm nghiêm trọng do vô trách nhiệm thậm chí cần phải có xử lý bằng pháp luật.
"Trong ngày 4/8, Bộ trưởng sẽ vào trực tiếp để thấy rõ trách nhiệm của ngành Công Thương và thiệt hại của người dân để phối hợp giải quyết, nếu chủ đầu tư cố tình sai phạm sẽ xử lý kiên quyết," Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói./.