Bộ Công Thương sửa thông tư 20, "cởi trói" cho doanh nghiệp nhập ôtô

Bộ Công Thương vừa ban hành thông tư số 03/2017/TT-BCT , theo đó bãi bỏ khoản 2 điều 1 của thông tư 20/2011 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Công Thương vừa ban hành thông tư số 03/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011, theo đó bãi bỏ khoản 2 điều 1 của thông tư này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ.

Theo đó, điều khoản quy định thương nhân nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp sẽ chính thức được bãi bỏ và chỉ giữ lại khoản 1, của quy định này.

Thông tư 20 không phải là điều kiện kinh doanh

Trước đó, trong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh bởi không can thiệp vào việc bỏ vốn đầu tư để thành lập tổ chức kinh tế nhằm thực hiện hoạt động kinh doanh ôtô, mà cụ thể là sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ ôtô.

Bộ này cũng cho rằng, Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý. Theo đó, nếu thương nhân nhập khẩu không đáp ứng được thủ tục này, sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, Thông tư 20 không vi phạm quy định nào của Luật Cạnh tranh.

Bộ Công Thương cho rằng, quy định về Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử đối với tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Việc doanh nghiệp có được Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý không can thiệp vào quá trình này.

Ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp

Năm 2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã thu hẹp diện các doanh nghiệp được phép nhập khẩu.

Sau một thời gian thực hiện, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong tháng ​Bảy đã có ý kiến cho rằng, thông tư 20 không có tác dụng hạn chế nhập siêu và tạo ra động lực ngược đối với sản xuất ôtô trong nước.

Việc bãi bỏ Thông tư 20, theo VCCI, sẽ làm tăng cơ hội lựa chọn của người tiêu dùng và cạnh tranh sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ đi kèm bán hàng.

Tuy nhiên, ý kiến từ phía Hiệp hội các các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng (VIVA) và nhà sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam (VAMA) lại cho rằng, Thông tư 20 ban hành đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế thị trường nhập khẩu ôtô không chính thức, tạo điều kiện thu hút thêm các nhà đầu tư lâu dài tại Việt Nam​./.

Điiều 1 của Thông tư 20/2011 quy định, khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuât, kinh doanh loại ôtô đó đã được ủy quyền đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại khoản 2, điều 1 của thông tư 20 cũng quy định thương nhân nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp sẽ chính thức được bãi bỏ và chỉ giữ lại khoản 1, của quy định này.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục