Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng còn tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể cơ sở giúp đỡ nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế-xã hội.
Điều đó thể hiện rõ nét trong nhiều mô hình giảm nghèo thực hiện hiệu quả, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai cho đến hỗ trợ ngày công dựng nhà cửa... Cũng vì thế mà diện mạo nơi phên dậu Tổ quốc đang có những đổi thay đáng kể, nhiều bản làng biên giới bây giờ đã ấm no hơn.
Với đồng bào vùng biên, sự đổi thay ấy đều có bóng dáng của Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng với chính quyền địa phương.
Nhân Ngày Quốc tế xóa nghèo (17/10) và Ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10), phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết “Chung tay giúp người dân biên giới giảm nghèo.”
Bài 1: Bám địa bàn, giúp đồng bào ở biên giới phát triển kinh tế-xã hội
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân phát triển kinh tế-xã hội.
Hình ảnh cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng bám sát địa bàn, đồng hành cùng bà con lao động sản xuất, tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã không còn xa lạ với người dân vùng biên.
Gắn kết tình cảm quân, dân
Bản Nặm Xà, mảnh đất giáp biên giới thuộc xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Chị Hà Thị Quyên là chủ nhân của ngôi nhà mới khang trang phía cuối bản.
Người phụ nữ dân tộc Tày vui vẻ khoe gia đình chị trước là hộ nghèo, thu nhập chỉ trông chờ vào cây lúa, cây lạc, cây ngô. Năm 2018, chị được Nhà nước giao quyền sử dụng 400m2 đất để trồng trọt và 60 triệu đồng tiền làm nhà.
Sau khi có đất, gia đình đang loay hoay, suy tính lựa chọn cây giống để trồng trọt, “các anh cán bộ xã và bộ đội Đồn Biên phòng Pò Mã đến nói kinh tế đồi rừng ở vùng này là mũi nhọn và hỗ trợ, hướng dẫn gia đình kiến thức về trồng cây quế, cây bạch đàn.”
[Bộ đội Biên phòng tỉnh Kom Tum gìn giữ sự bình yên nơi biên giới]
Theo chị Hà Thị Quyên, trồng quế chỉ vất vả trong 3 năm đầu khi thường xuyên phải chăm sóc, phát cỏ, các năm sau không mất công là mấy, vào rừng tỉa cành, tỉa lá, bóc vỏ là có tiền. So với các cây trồng khác, cây quế có đầu ra rất ổn định bởi có nhiều doanh nghiệp muốn mua sản phẩm quế với người dân lâu dài.
“Chúng tôi đã trồng, chăm sóc cây thật tốt và vừa rồi cây bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ đó, cuộc sống hiện nay đã đủ ăn, đủ mặc và có chút tích lũy lo cho con cái học hành,” chị Hà Thị Quyên khoe.
Cùng phấn khởi khi nói về việc phát triển kinh tế ở nơi biên cương Tổ quốc, chị Phạm Thị Huệ, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định. Chị Huệ cho biết, cuộc sống bây giờ dễ chịu hơn nhiều so với 5 năm trước.
“Từ khi làm theo góp ý của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pò Mã và cán bộ xã về mô hình kinh tế chăn nuôi vịt kết hợp với trồng rừng ở vành đai biên giới, gia đình tôi đỡ vất vả hơn trước. Giờ gia đình không chỉ “có của ăn, của để” mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động,” chị Huệ chia sẻ.
Trao đổi về điều này, anh Vi Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đội Cấn cho biết Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Pò Mã đã rất tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Đội Cấn xây dựng, củng cố các tổ chức, đoàn thể cơ sở vững mạnh. Bộ đội Biên phòng còn trực tiếp tham gia giúp đỡ nhân dân trên địa bàn xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo.
“Riêng ở Nặm Xà - bản có tầm quan trọng, ý nghĩa an ninh, quốc phòng lớn trên địa bàn, chúng tôi luôn phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng bám sát địa bàn, lắng nghe và giải quyết những khó khăn của bà con. Xã đã trình phương án cho Ủy ban Nhân dân các cấp xem xét, cấp đất phù hợp cho bà con để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn bộ 19 hộ dân trong bản đều đã có đất. Tất cả các hộ đều yên tâm canh tác, phát triển kinh tế trên mảnh đất này," anh Vi Văn Nam nói.
Chia sẻ về việc “bám địa bàn,” Trung tá Đỗ Văn Phúc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Mã (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) cho biết tuyến biên giới Lạng Sơn dài hơn 231km, trong đó Đồn Biên phòng Pò Mã được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 21km quốc giới đi qua các xã Quốc Khánh và Đội Cấn (huyện Tràng Định).
Đồn Biên phòng Pò Mã đã cùng nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công tôn tạo, sửa chữa một số con đường lên kiểm tra các điểm mốc biên giới; đồng thời tạo thuận lợi cho nhân dân ở khu vực biên giới đi lại, sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
“Qua thực tiễn công tác, cán bộ, chiến sỹ luôn gắn bó, gần gũi với nhân dân và nhận lại những tình cảm quý mến của người dân,” Trung tá Đỗ Văn Phúc cho biết.
Nuôi khát vọng ấm no, làm giàu
Trên tuyến biên giới phía Bắc, tại Sơn La, việc cán bộ, chiến sỹ lực lượng Bộ đội Biên phòng không quản ngại khó khăn, đồng hành giúp đồng bào các dân tộc giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần bằng những hành động, việc làm thiết thực đang góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng phên dậu của Tổ quốc.
Tại xã biên giới Tân Xuân, huyện Vân Hồ, bà con dân tộc thiểu số ở đây luôn ấn tượng bởi sự tận tâm, trách nhiệm của Trung tá Đỗ Văn Lời, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Xuân, khi góp sức mình đổi thay một địa bàn khó khăn, phức tạp về an ninh trật tự.
Theo chia sẻ của anh Hà Văn Yêu, ở bản Bướt, xã Tân Xuân - người từng một thời vướng vào “nàng tiên nâu,” do cảm nhận được sự quan tâm, động viên của Phó Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Văn Lời, anh đã đi chữa trị cai nghiện. Đến nay, anh Yêu đã có cuộc sống mới bình yên, hạnh phúc.
Anh Hà Văn Yêu bộc bạch: “Năm 2018, khi cai nghiện thành công, tôi được về nhà. Từ đó, tôi cố gắng sống thật có ích và nỗ lực làm lại cuộc đời mình. Đến nay, tôi đã có đàn trâu, bò hơn 20 con. Gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo.”
Tại xã vùng biên Lóng Sập, huyện Mộc Châu - nơi có 14 bản và hầu hết từng là các bản đặc biệt khó khăn, với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng hành của Bộ đội Biên phòng và sự đoàn kết, nỗ lực của nhân dân, Lóng Sập đang ngày một đổi thay.
Điển hình là Buốc Pát - bản khó khăn nhất của Lóng Sập khi cả bản trước đây đều là hộ nghèo và gần như toàn bộ các hộ từng bị cuốn vào vòng xoáy của tệ nạn ma túy. 3 năm trở lại đây, hy vọng về giảm nghèo, “có của ăn, của để” đang nhen lên trên mảnh đất biên ải này.
Chia sẻ về sự đổi thay đó, Mùa A Dê, Trưởng bản Buốc Pát cho hay những năm gần đây, cùng với việc kiên quyết bắt giữ những người vi phạm pháp luật, lực lượng Công an, Biên phòng rất tích cực đến tuyên truyền phổ biến pháp luật và tác hại của ma túy cho bà con dân bản. Nhiều người trong bản đã nhận thức được là dính dáng vào ma túy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tình hình phát triển kinh tế của mỗi gia đình.
“Không chỉ giúp đỡ dân bản Buốc Pát tạo sinh kế, xóa đói nghèo, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng còn làm rất nhiều việc có ý nghĩa cho dân bản,” Trưởng bản Mùa A Dê cho hay.
Những việc có ý nghĩa cho người dân như Trưởng bản Mùa A Dê nói, đó chính là việc Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập tổ chức thực hiện "Bữa ăn cho em" ở bản Buốc Pát. Nhờ sự chăm sóc đặc biệt của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lóng Sập, những lứa học trò ăn cơm Biên phòng đã 15, 16 tuổi, hiểu chuyện đúng sai, đã nhận thức tầm quan trọng của tri thức và sự khủng khiếp của tệ nạn ma túy. "Mưa dầm thấm lâu," Buốc Pát quyết không dính dáng vào ma túy, tù tội và đang nuôi khao khát thoát nghèo, làm giàu.
Thông tin về việc làm ý nghĩa này, Thiếu tá Phạm Văn Tài, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập chia sẻ việc giúp con em bản Buốc Pát tới trường, không bỏ học giữa chừng, từ đó từng bước nâng cao dân trí cho lớp công dân tương lai của bản là hết sức cần thiết. Điều đó vừa có ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, xã hội, cho đến các yếu tố quốc phòng, an ninh ở quy mô, phạm vi của bản Buốc Pát và xã Lóng Sập.
Ông Lò Văn Nước, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập cho biết từ những việc làm, giải pháp cụ thể, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế của xã tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 18,89%. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được quan tâm phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa gắn phát triển thị trường.
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, việc cán bộ, chiến sỹ giúp nhân dân trên địa bàn biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cũng là góp phần thực hiện các đề án, chủ trương của Trung ương, của tỉnh về bố trí cán bộ, Bộ đội Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện và cấp xã biên giới.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã lựa chọn, giới thiệu 6 cán bộ tham gia cấp ủy cấp huyện biên giới. Đơn vị bố trí 17 cán bộ tham gia cấp ủy cấp xã biên giới, giữ chức danh Phó Bí thư.
Những Phó Bí thư Đảng ủy mang quân hàm xanh đã góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp, sáng ngời phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân trên dải đất biên cương của Tổ quốc; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới./.
Đón đọc bài 2: Góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước