Bộ Giáo dục: “Bộ cấp phép khi trường đã bổ sung đủ điều kiện mở ngành"

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Sau thẩm định chúng tôi đã đề nghị bổ sung và trường đã bổ sung thì chúng tôi mới cấp phép.”
Bộ Giáo dục: “Bộ cấp phép khi trường đã bổ sung đủ điều kiện mở ngành" ảnh 1Giờ thực hành của sinh viên ngành y. (Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN)

Trước ý kiến của Bộ Y tế cho biết có yêu cầu Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải bổ sung các điều kiện còn thiếu thì mới ủng hộ mở ngành Y đa khoa và Dược học, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Sau thẩm định chúng tôi đã đề nghị bổ sung và trường đã bổ sung thì chúng tôi mới cấp phép.”

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phối hợp tốt trong việc kiểm định mở ngành Y đa khoa và Dược học tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

- Liệu ở đây có sự bất nhất giữa hai bộ, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Chúng tôi không nghĩ quan điểm của hai bộ bất nhất. Cũng có thể do cách diễn đạt đã làm cho vấn đề tưởng như không thống nhất.

Lúc thẩm định danh sách giảng viên có 47 người của ngành Y đa khoa, trong đó chỉ có 17 người đã cam kết làm giảng viên cơ hữu của trường. Số còn lại thiếu hợp đồng lao động hoặc thiếu cam kết hoạt động toàn thời gian cho trường. Chúng tôi đã đề nghị bổ sung và trường đã bổ sung thì chúng tôi mới cấp phép.

Khi kiểm tra, trong biên bản, các bên đều thống nhất trường đủ điều kiện mở ngành nhưng cũng yêu cầu trường phải bổ sung thêm một số nội dung theo tiến độ đào tạo và nếu muốn mở rộng quy mô. Các năm đầu khóa học, họ đã chuẩn bị đủ điều kiện đào tạo nhưng những năm sau phải bổ sung. 

Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu này của trường.

Tất nhiên, từ giờ đến lúc mở ngành, có biến động thế nào chúng tôi cũng phải kiểm tra.

Gần đây, chúng tôi phối hợp với Bộ Y tế rất chặt chẽ vì chúng tôi cũng hiểu lĩnh vực này có tính đặc thù cao, đòi hỏi nâng cao chất lượng đào tạo. 

Bộ Giáo dục: “Bộ cấp phép khi trường đã bổ sung đủ điều kiện mở ngành" ảnh 2Trang thiết bị phục vụ đào tạo ngành Y đa khoa của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

- Như bà nói, y là ngành đặc thù đòi hỏi chất lượng cao. Ngành học  quyết định đến tính mạng con người. Việc cho một trường ngoài công lập với mức điểm chuẩn đầu vào hàng năm của các ngành thấp, lại chưa có kinh nghiệm đào tạo y, dược được phép mở ngành nào, theo bà, liệu có đảm bảo chất lượng?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Họ [Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội –PV] đảm bảo điều kiện mở ngành và có đơn đề nghị thì chúng tôi có nghĩa vụ phải cấp phép cho họ. Nếu không, chúng tôi phải giải trình căn cứ pháp lý nào chúng tôi không cấp phép, và ở đây không có căn cứ nào. 

Họ muốn tuyển ngay năm nay và mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển dự kiến là 20 điểm.

Bản thân chúng tôi cũng hiểu lo ngại của xã hội về chất lượng đào tạo nếu để trường mở ngành mới mà không phải thế mạnh của trường, nhất là ngành liên quan đến sức khỏe như y, dược.

Tuy nhiên, thứ nhất, chúng tôi đảm bảo điều kiện mở ngành là đúng quy định.

Thứ hai, khi tuyển sinh trường chắc chắn phải có quy định về điểm đầu vào của ngành đào tạo chứ không phải lấy điểm sàn hay điểm của các ngành khác áp dụng cho ngành Y đa khoa.

Điểm đầu vào thấp là ở các ngành khác. Họ chưa tuyển nên cũng không biết điểm đầu vào thấp hay không, nhưng chúng tôi cũng hiểu một trường mới mở thì điểm không thể cao như các trường có truyền thống cả trăm năm.

Điểm đầu vào không bằng nhưng trường phải đảm bảo chất lượng đào tạo thì chúng tôi mới cho phép mở ngành.

[Bộ Y tế phủ nhận thông tin Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vượt tiêu chí mở ngành]

Chúng ta cũng không độc tôn chất lượng đầu vào mà còn quản lý bằng chương trình đào tạo, kiểm soát chuẩn đầu ra. 

Đối với ngành Y đa khoa còn có đặc thù sinh viên sau khi tốt nghiệp ở trường còn phải trải qua 18 tháng thực tập. Sau đó, các em còn phải trải qua thi sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề, chưa kể phải vượt qua kiểm tra của đơn vị tuyển dụng.

Trong quá trình đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có rà soát và bất cứ ngành nào không đủ điều kiện sẽ phải dừng đào tạo. Năm qua, chúng tôi đã cho dừng đào tạo 207 ngành. Nếu dừng tuyển sinh mà vẫn vẫn không củng cố được chất lượng đào tạo thì chúng tôi sẽ thu hồi quyết định cấp phép. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc thì sẽ đảm bảo được chất lượng.

Chúng ta cũng không nên định kiến với trường ngoài công lập. Họ phải tự cân đối thu chi nhưng cũng phải giữ chữ tín để thu hút người học. Nếu trường tư thục làm tốt còn hơn là nhà nước phải đầu tư.

- Vậy bà nghĩ sao về những phản ứng của dư luận những ngày qua về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi rất chia sẻ với những băn khoăn lo lắng của xã hội vì họ nghe tên trường kinh doanh công nghệ mà đào tạo y nên không yên tâm.

Có thể lúc đầu các nhà sáng lập trường định mở ngành kinh tế thôi nhưng sau đó người ta sẽ mở sang các ngành khác theo nhu cầu xã hội. Điều đó cũng dễ hiểu và không nên vì cái tên mà nói họ không được mở ngành y, dược. 

Thứ hai nữa là người dân có tâm lý không yên tâm khi trường tư thục đào tạo ngành y, nhưng như tôi đã nói, không nên có định kiến đó.

Hiện trong hệ thống cũng nhiều trường tư có đào tạo ngành y, dược. Trên thế giới, ngành y đa số ở trường đa ngành và tư thục chứ không phải ở trường đơn ngành. Ở các nước phát triển thì nhà nước không đầu tư vào trường y do đây là lĩnh vực tốn kém. 

Ở Việt Nam, trường công đào tạo ngành y là chủ yếu nên chuyển sang tư nhân thì chưa quen. Chúng tôi cũng có áp lực phải đảm bảo chất lượng để xã hội yên tâm, tin tưởng.

Riêng với Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trong biên bản thẩm định, chúng tôi cũng nói trường đủ điều kiện mở ngành nhưng vẫn phải đầu tư thêm theo lộ trình và nếu muốn mở quy mô. Vì thế những năm cuối chúng tôi cũng phải kiểm tra xem họ đã bổ sung chưa.

- Xin cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục