Bộ Giáo dục chính thức ban hành hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa

Sách giáo khoa được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông phải thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Bộ Giáo dục chính thức ban hành hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa ảnh 1Bộ sách Cánh diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm biên soạn. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3.

Theo thông tư, sách giáo khoa được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông phải thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Việc lựa chọn phải bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Hai tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa

Theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 2 tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, đó là: Phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy-học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập. Mỗi cơ sở thành lập 1 Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng.

[Bộ Giáo dục phê duyệt danh mục sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1]

Hội đồng bao gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được lựa chọn, đại diện Ban cha mẹ học sinh.

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu là 7 người.

Người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia thẩm định sách giáo khoa do các nhà xuất bản tổ chức, tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành và người làm việc ở các nhà xuất bản có sách giáo khoa không được tham gia Hội đồng.

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch. Cuộc họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham gia, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký.

Kết quả của mỗi cuộc họp Hội đồng được lập thành biên bản. Biên bản phải có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên tham dự.

Quy trình lựa chọn sách giáo khoa

Theo Thông tư, quy trình lựa chọn sách giáo khoa được quy định như sau: Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.

Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn.

Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp.

Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.

Sau đó, Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn theo các nguyên tắc quy định và tiêu chí lựa chọn. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục chính thức ban hành hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa ảnh 2Giáo viên xem các bộ sách giáo khoa mới. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Sách giáo khoa được lựa chọn phải có trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp sách giáo khoa không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận, phân tích các tiêu chí và bỏ phiếu lựa chọn lại.

Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì Hội đồng quyết định lựa chọn sách giáo khoa có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn báo cáo theo quy định. Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên tham dự.

Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục sách giáo khoa được sử dụng.

Sau đó, công bố công khai danh mục sách giáo khoa sử dụng và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 4 tháng.

Theo Thông tư, căn cứ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tổ chức hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa theo quy định.

Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cũng có trách nhiệm bảo đảm nguồn kinh phí theo phân cấp quản lý để các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục