Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 1. Dù mới được một tháng nhưng chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 mới đã bị nhiều phụ huynh và cả giáo viên đánh giá là khó với học sinh.
Nặng hơn chương trình cũ?
Có con năm nay vào lớp 1, chị Lê Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, đúng theo khuyến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chị không cho con học trước. Năm học này cũng là năm đầu tiên học sinh không đi học từ tháng Tám.
“Con đến trường như tờ giấy trắng, bắt đầu học những chữ, những nét đầu tiên. Biết đọc đã khó, nhưng kết thúc tuần học thứ ba các con đã phải đọc hiểu một đoạn văn ghép ba câu: ‘Ba hà để ở hè. Bể có cá, có cò, le le. Cò ở bể cá là cò đá. Le le là le le gỗ’. Phải trả lời các câu hỏi như bể cá ở đâu? Bể cá có gì? Con cò làm bằng gì? Trong khi lớp 1 năm ngoái đến giữa học kỳ một mới phải đọc bài ghép câu và cuối học kỳ một mới đọc hiểu,” chị Liên chia sẻ.
Cũng có con năm nay học lớp 1, chị Lê Thùy Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay mỗi tối hai mẹ con phải mất rất nhiều thời gian cho môn Tiếng Việt. “Con mới học đọc, ghép được chữ sau thì quên mất chữ trước trong khi đoạn đọc lại quá dài,” chị Linh phân trần.
Không chỉ phụ huynh, môn Tiếng Việt chương trình mới nặng hơn cũng là nhận định của một số giáo viên tiểu học. Chương trình lớp 1 cũ, đến bài 30 cũng chỉ mới yêu cầu con đọc một câu khoảng 10 chữ nhưng chương trình mới, bài 15 đã yêu cầu học sinh đọc đoạn dài đến 26 chữ.
Tại trường Tiểu học Công nghệ Victory, nhà trường thậm chí đã phải điều chỉnh tăng số tiết môn Tiếng Việt để có thể giúp học sinh học có thêm thời gian cho môn học này.
“Trước kia mỗi 1 tiết học có 1 âm giờ là 2 âm. Trường phải điều chỉnh chương trình học cho phù hợp với thực tế của trường, tăng tiết buổi chiều thêm 3-4 tiết cho môn Tiếng Việt để kịp với chương trình. Học sinh thành phố vẫn có thể cố gắng theo được, nhưng học sinh miền núi sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều,” ông Lê Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công nghệ Victory chia sẻ.
Cần thêm thời gian
Trước những ý kiến trên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay Bộ chưa nhận được phản ánh chính thức nào từ phía phụ huynh, giáo viên hay các nhà khoa học. Tuy nhiên, Bộ cũng rất trân trọng và lắng nghe các nhận định này.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho hay, chương trình có chuẩn đầu ra cụ thể cho từng môn, có khung thời lượng cho một năm học. Ở môn Tiếng Việt lớp 1, thời lượng là 420 tiết. “Khi xây dựng chương trình có qua rất nhiều giai đoạn, có công bố lấy ý kiến và có hội đồng thẩm định quốc gia. Với quy trình chặt chẽ như vậy và khi triển khai mới bước đầu mà có nhận xét là chương trình nặng thì chưa đúng thời điểm và chưa có căn cứ xác đáng,” ông Thái Văn Tài nói.
[Nghệ An: Nhiều nỗi lo khi thực hiện thay sách giáo khoa lớp 1]
Chia sẻ những băn khoăn của phụ huynh về việc số lượng tiết học môn Tiếng Việt nhiều, ông Tài cho hay, với quan điểm cố gắng giúp các em đọc thông viết thạo sớm, xem đó là điều kiện để học các môn khác nên trong chương trình lớp 1 mới, thời lượng dạy môn Tiếng Việt được tăng lên 70 tiết. Trong khi đó, thời lượng môn Toán lại giảm đi 70 tiết.
“Chương trình môn Tiếng Việt có thời lượng được điều chỉnh tăng 70 tiết, từ 350 tiết lên 420 tiết, nhưng kiến thức lại tinh giản hơn chương trình hiện hành. Vì thế số tiết học Tiếng Việt học chương trình mới trong một tuần chắc chắn nhiều hơn số tiết của môn Tiếng Việt của chương trình cũ. Điều này có thể khiến phụ huynh cảm thấy môn Tiếng Việt bị nặng hơn do học nhiều hơn. Tuy nhiên, nội dung giảm đi trong khi thời gian học nhiều hơn thì việc học sẽ nhẹ nhàng hơn,” ông Tài phân tích.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cũng cho hay trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đưa một nội dung bắt buộc, khác với chương trình trước là trong quá trình thực hiện có điều chỉnh, phát triển chương trình. “Có nghĩa là trong quá trình thực hiện, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe các phản biện các vấn đề phát sinh trong thực tế. Khi có đầy đủ các đánh giá trên cơ sở khoa học thì Bộ sẽ có điều chỉnh phù hợp. Như vậy, chương trình lần này có độ mở, linh hoạt. Tuy nhiên, hiện chương trình mới triển khai được một tháng. Tôi xin khẳng định lại nhận định chương trình mới nặng hơn là chưa đủ căn cứ và chưa đúng thời điểm,” ông Tài nói.