Các trường đại học có đề án được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sẽ được tổ chức thi riêng tối đa 2 lần mỗi năm. Kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đề án, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Các tường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả của kỳ thi chung do bộ tổ chức…
Đây là những điểm mới trong nội dung của dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng năm 2014 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hôm nay, ngày 12/12/2013.
Ba phương án tuyển sinh
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ khuyến khích và tạo điều kiện để các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh. Quá trình chuyển từ phương thức thi “ba chung” do Bộ tổ chức sang phương án tuyển sinh riêng do từng trưởng đảm nhiệm cần đảm bảo diễn ra trong trật tự, nghiêm túc, không gây xáo trộn lớn trong xã hội cũng như sự lo lắng của học sinh, phụ huynh.
Từng trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng, đáp ứng các yêu cầu, nội dung, điều kiện Bộ quy định. Bộ sẽ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh của các trường.
Tuy nhiên, để giúp các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng, trong vòng 3 năm tới, Bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “ba chung."
Vì thế, sẽ có ba phương án để mỗi trường quyết định lựa chọn là thực hiện đề án tuyển sinh riêng (đề án phải được Bộ xác nhận là đáp ứng các yêu cầu quy định), tham gia kỳ thi ba chung do Bộ tổ chức hoặc thỏa thuận với trường có đề án tuyển sinh phù hợp đã được Bộ xác nhận là đáp ứng các yêu cầu quy định để tổ chức thi tuyển sinh theo đề án của trường đó.
Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Những khoa, ngành tuyển sinh riêng thì không sử dụng kết quả thi “ba chung.”
Có thể kết hợp thi và phỏng vấn, viết luận
Đề án tuyển sinh riêng gồm ba nội dung chính là mục đích của phương án tuyển sinh riêng, nguyên tắc lựa chọn phương án và phương thức tuyển sinh (gồm các phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển.)
Đề án thi cần nêu rõ các nội dung như môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài, lực lượng giáo viên ra đề, chấm thi, coi thi, điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, công tác thanh tra, giám sát kỳ thi.
Đối với trường lựa chọn xét tuyển cần làm rõ môn xét tuyển, hình thức xét tuyển, nguyên tắc, phương pháp xét tuyển, điều kiệm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, lực lượng cán bộ, giáo viên làm công tác xét tuyển, công tác thanh tra giám sát xét tuyển.
Đối với trương hợp lựa chọn phương án kết hợp cần làm rõ cả hai hội dung trên.
Ngoài ra trường có thể bổ sung thêm các hình thức kiểm tra thông qua phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu. Đối với các hình thức kiểm tra bổ sung này, các trường cần làm rõ tiêu chí, điều kiện, nguyên tắc, nội dung, cách thức, các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất để đảm bảo tính khả thi của phương án, công tác thanh tra, kiểm tra, giam sát…
Đề án cần phù hợp với quy định của Luật giáo dục đại học và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện, đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, không gâp phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Các trường tổ chức tuyển sinh riêng không được để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi. Trường phải công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh riêng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, những trường dự kiến tuyển sinh riêng năm 2014 phải gửi đề án cho Bộ trước ngày 10/2/2014 để Bộ xem xét./.