Trao đổi với phóng viên Vietnam+, giáo sư Đinh Quang Báo, Thường trực Ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khi chỉ đạo ban soạn thảo đã rất nhấn mạnh về việc cần có thời gian tập trung để viết sách giáo khoa.
“Lãnh đạo Bộ có ý định là sau khi chọn được đội ngũ tổng chủ biên, chủ biên thì sẽ tập huấn cẩn thận và có thời gian tập trung theo kiểu trại biên soạn sách giáo khoa. Trước đây, chúng ta đã từng làm theo cách này và rất hiệu quả. Tôi cho rằng đây là việc cần thực hiện,” giáo sư Báo cho biết.
Cũng theo ông Báo, cách làm này có nhiều điểm tích cực vì khi đó, người viết sách sẽ có toàn thời gian để tập trung cho công việc, dòng suy nghĩ không bị ngắt quãng bởi các yếu tố bên ngoài.
“Mặt khác, việc viết sách giáo khoa, nhất là theo hướng tích hợp các lĩnh vực có quan hệ với nhau sẽ rất cần sự trao đổi giữa các nhà biên soạn ở các sách khác nhau, vừa nhìn dọc, vừa nhìn ngang mới đặt đúng vị trí của một khái niệm trong sách giáo khoa, nhằm cấu thành một mạng tri thức cho người học,” ông Báo phân tích.
Trước đó, tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 do Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 8/3 (tại Hà Nội), phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh đã “tha thiết đề nghị hãy tổ chức trại viết sách giáo khoa.”
“Cần phải tổ chức trại viết sách giáo khoa, ở đấy các tác giả làm việc tập trung theo đúng giờ hành chính, họ phải tách ra khỏi cơ sở làm việc cũ trong một thời gian quy định, tập trung toàn bộ thời gian và suy nghĩ cho việc viết sách,” ông Cương nói.
Ông Cương cho rằng trước đây, công việc viết sách kéo dài vì các tác giả đều vẫn làm việc chính tại đơn vị công tác của mình và cố tranh thủ sắp xếp thời gian để dành cho việc viết sách, nghĩa là chỉ dùng “tay trái” để viết sách. Thỉnh thoảng các tác giả của một cuốn sách mới gặp nhau để trao đổi và không phải lúc nào cũng có mặt đầy đủ. Từng là chủ biên sách giáo khoa môn toán, ông cũng phải mời một số cộng tác viên ở Hà Nội tới ngồi làm vào buổi tối vì ban ngày phải làm ở cơ quan. Do đó, thời gian viết sách thường kéo dài.
“Làm việc tập trung, các nhóm tác giả cùng một cuốn sách có thể trao đổi với nhau, ngoài ra còn có thể trao đổi với nhóm tác giả các cuốn khác cùng môn ở lớp dưới, lớp trên, hoặc với tác giả các môn lân cận… Tôi viết phần toán thì phải biết những người viết lý, hóa họ viết gì, mình phải làm gì,” ông Cương nói.
Phó giáo sư Văn Như Cương cũng khẳng định: “Làm việc tập trung theo cách trại viết sách giáo khoa tôi tin chắc rằng sẽ nhanh ít nhất là gấp 10 lần theo cách làm việc trước đây. Tôi dự trù rằng sau khi chương trình các bộ môn từ lớp 1 đến lớp 12 thử nghiệm đã được thẩm định lần một thì công việc biên soạn sách giáo khoa tập trung ở trại viết sách chỉ cần 6 tháng là nhiều nhất.”
Phân tích cụ thể hơn, ông Cương nêu ví dụ: “Môn toán lớp 10 có 105 tiết học. Nếu mời ba tác giả cùng viết thì mỗi tác giả viết chính 35 tiết. Nếu mỗi tiết học 45 phút viết trong một ngày (điều này là hoàn toàn có thể làm được) thì chỉ mất một tháng rưỡi là xong. Tính thêm giờ trao đổi với nhau, với các nhóm bạn khác lớp, khác môn, giờ làm việc theo nhóm thì cũng chỉ cần 3 tháng là hoàn thành.”
“Cùng với các tác giả viết sách thì trại viết sách giáo khoa cũng sẽ là nơi làm việc tập trung của các biên tập viên, các nhà thẩm định. Việc rút ngắn thời gian viết sách giáo khoa sẽ giúp cho thời gian thực hiện đề án rút ngắn hơn, không kéo dài như dự kiến hiện nay,” ông Cương nói./.