Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh quy hoạch ưu tiên phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) theo Nghị quyết số 81/2023 của Quốc hội đồng thời đề xuất điều chỉnh bổ sung cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.
Ngoài ra, quy hoạch cũng đề xuất sửa đổi các dự báo về sản lượng hàng hóa thông qua cảng sau khi cập nhật những quy hoạch chuyên ngành liên quan như điều chỉnh tăng khoảng 7,3-8,3 triệu TEU với hàng container (quy hoạch cũ là hàng container từ 38-47 triệu TEU); điều chỉnh tăng lượt hành khách thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam khoảng 6-9 triệu/năm (quy hoạch 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 là 10,1-10,3 triệu lượt khách).
Riêng hàng trung chuyển quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung nhu cầu hàng hóa trung chuyển quốc tế thông qua khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 4,8 triệu Teu năm 2030 và bổ sung nhu cầu hàng hóa trung chuyển quốc tế thông qua khu bến Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) khoảng 0,5-1 triệu TEU năm 2030. Khối lượng hàng trung chuyển container quốc tế sẽ được xác định cụ thể khi quyết định chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án.
Bộ trưởng GTVT: Quy hoạch cảng biển là trung tâm kết nối các phương thức khác
Cục Hàng hải và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ với nhau cùng xây dựng quy hoạch, kế hoạch để thuận tiện cho việc vận tải hàng hóa, từ đó giảm chi phí logistics.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải tính toán nhu cầu vốn đầu tư của hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỷ đồng (tăng 38.500 tỷ đồng nếu so với quy hoạch cũ đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định tại quy hoạch 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021).
Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư như phần hạ tầng công cộng của khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) để phù hợp với quan điểm phát triển của quy hoạch; nạo vét luồng Định An-Cần Thơ cho tàu trọng tải từ 10.000 tấn trở lên bằng nguồn xã hội hóa để phù hợp Nghị quyết số 45/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Đặc biệt, quy hoạch cũng đề xuất bổ sung giải pháp thực hiện bằng việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình phù hợp; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phương tiện thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải khí nhà kính./.