Bộ GTVT ủng hộ sớm nghiên cứu xây thêm một đường băng tại Sân bay Phù Cát

Nếu được triển khai đầu tư sớm các hạng mục trong khu bay, Cảng Hàng không Phù Cát (tỉnh Bình Định) sẽ tăng công suất khai thác, đáp ứng nhu cầu đón hành khách đến địa phương.

Máy bay cất, hạ cánh tại một cảng hàng không nước ta. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Máy bay cất, hạ cánh tại một cảng hàng không nước ta. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Bình Định liên quan tới phương án triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình dự án lĩnh vực hàng không tại Cảng Hàng không Phù Cát.

Đối với phương án triển khai đầu tư phát triển Cảng Hàng không Phù Cát, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, phương án triển khai đầu tư do tỉnh Bình Định đề xuất phù hợp với quy hoạch Cảng Hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được bộ phê duyệt.

Trên cơ sở hiện trạng kết cấu hạ tầng của Cảng Hàng không Phù Cát, nhằm nâng cao năng lực khai thác hàng không dân dụng đồng thời bảo đảm duy trì thực hiện nhiệm vụ quân sự thường xuyên, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ chủ trương sớm nghiên cứu đầu tư đường cất, hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn nối và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thuộc khu bay (tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 3.013 tỷ đồng).

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có công văn đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp để thống nhất phương án giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định làm chủ quản thực hiện đầu tư xây dựng đường cất, hạ cánh số 2. Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan liên quan, bộ sẽ tổng hợp, hoàn thiện và tham mưu Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc trình Quốc hội xem xét thông qua cơ chế đặc thù giao cho UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện nay Chính phủ nghiên cứu sửa đổi quy định về nhiệm vụ chi đầu tư theo khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia và báo cáo Quốc hội thông qua trong thời gian tới, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Đối với kiến nghị về việc hỗ trợ một phần kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng đường cất, hạ cánh số 2, phía Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận do tỉnh Bình Định đang còn khó khăn về nguồn thu ngân sách, trường hợp Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản, để đẩy nhanh việc triển khai dự án, bộ đồng thuận với chủ trương đề nghị Trung ương hỗ trợ một phần ngân sách và đề nghị tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để được xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Về chủ trương tách nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án riêng (địa phương chủ động bố trí đủ kinh phí khoảng 1.008 tỷ đồng), Bộ Giao thông Vận tải dẫn giải theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tách riêng hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sẽ được thực hiện khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư công.

Vì vậy, sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản, trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh chủ động nghiên cứu tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để triển khai thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục