Tăng tốc thi công tuyến đường nối Ninh Thuận-Lâm Đồng

Việc thi công tuyến đường thuộc phạm vi xã Ma Nới đang gặp nhiều khó khăn do địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết mưa nhiều khiến việc vận chuyển vật liệu và khai thác tận thu lâm sản bị ảnh hưởng.

Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục thuộc dự án thành phần 2, đoạn nối từ xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục thuộc dự án thành phần 2, đoạn nối từ xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Để đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần 2 tuyến đường nối từ xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Ninh Thuận đang chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực để hoàn thành tận thu lâm sản, tạo mặt bằng cho nhà thầu thi công trong thời gian sớm nhất.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận (đơn vị chủ đầu tư), dự án thành phần 2 đường nối từ xã Ma Nới đến ngã tư Tà Năng có tổng chiều dài hơn 40km; trong đó đoạn qua Ninh Thuận dài hơn 23km, còn lại khoảng 17km thuộc tỉnh Lâm Đồng. Tổng mức đầu tư dự án trên 1.095 tỷ đồng từ vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, việc thi công tuyến đường thuộc phạm vi xã Ma Nới đang gặp nhiều khó khăn do địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết mưa nhiều khiến việc vận chuyển vật liệu và khai thác tận thu lâm sản bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Thành Được, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Trường Thịnh Phát cho biết, công ty đang triển khai thi công tuyến đường Ma Nới-Tà Năng thuộc gói thầu số 23 với tổng chiều dài 2,6km, đến nay đã triển khai thi công được 2km, hiện còn vướng 600m đất rừng. Sau khi đơn vị tận thu lâm sản hoàn thành công việc và bàn giao phạm vi mặt bằng, công ty sẽ đẩy nhanh thi công trải dài trên toàn tuyến để hoàn thành đúng tiến độ như đã cam kết.

Ông Võ Thành Thông, cán bộ quản lý dự án thành phần 2 thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận, cho biết, các đơn vị đang nỗ lực triển khai thi công các đoạn có mặt bằng đảm bảo tiến độ theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư.

ttxvn_day_nhanh_thi_cong_tuyen_duong_noi_ninh_thuan_–_lam_dong_21-2.jpg
Đại diện chủ đầu tư kiểm tra tiến độ thi công dự án thành phần 2, đoạn nối từ xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Đối với các đoạn có mặt bằng trên địa bàn Ninh Thuận đã thi công cơ bản hoàn thành các hạng mục cầu, cống thoát nước, nền, thảm nhựa mặt đường được trên 8km, còn lại khoảng 11km vướng rừng.

Chủ đầu tư tích cực phối hợp với các đơn vị thi công hỗ trợ đơn vị khai thác tận thu lâm sản tập trung nhân lực, máy móc khai thác cắt, hạ cây đưa ra tập kết tại các bãi để sớm có mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trong đợt kiểm tra thực tế mới đây, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị chủ đầu tư và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Ninh Sơn tập trung phối hợp đẩy nhanh quá trình khai thác tận thu lâm sản, rà soát, bố trí khu đất trống làm điểm vận chuyển lâm sản, nơi tập kết máy móc, thiết bị, vật tư. Đồng thời, triển khai phương án thi công cụ thể, chi tiết từng đoạn đã có mặt bằng để làm cơ sở đẩy nhanh giải ngân vốn giao.

Dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng có chiều dài 63,32km, tổng mức đầu tư hơn 1.494 tỷ đồng, được chia làm hai dự án thành phần, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2025.

Trong số đó, dự án thành phần 1 đường từ thị trấn Tân Sơn đến xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn với chiều dài 22,3km, tổng mức đầu tư khoảng 399,7 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2023.

Đối với dự án thành phần 2 dự kiến sẽ thông tuyến vào ngày 30/4/2025. Theo kế hoạch, toàn bộ các hạng mục công trình sẽ hoàn thành vào cuối 2025 và đưa vào khai thác sẽ tạo kết nối giao thông liên vùng của ba tỉnh Lâm Đồng-Ninh Thuận-Khánh Hòa, kết nối với tuyến đường ôtô cao tốc Bắc-Nam, Quốc lộ 20, Quốc lộ 28B, Quốc lộ 27, Quốc lộ 1, đường vành đai tỉnh Ninh Thuận. Từ đó, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa.

Đồng thời, khai thác hiệu quả những vùng đất tiềm năng dọc theo tuyến đường, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận; tạo điều kiện thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai và nâng cao tiềm lực bảo đảm quốc phòng, an ninh./.

Tin cùng chuyên mục