Bộ GTVT đề xuất 2 phương án xử lý bất cập dự án BOT Quốc lộ 91

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án BOT Quốc lộ 91 do Liên danh Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO là nhà đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tại cuộc họp về giải pháp xử lý bất cập tại các trạm thu phí của dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+00 đến Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thực hiện Nghị quyết 437/UBTVQH ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư tổ chức nhiều lần rà soát, đánh giá tổng thể các trạm thu phí BOT, đề xuất giải pháp xử lý các trạm bất cập và được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kết luận tại Thông báo 158/TB-VPCP ngày 26/5/2022 của Văn phòng Chính phủ: “Cơ bản thống nhất phương án đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về phương án xý trạm thu phí dự án.”

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Vụ Đối tác công-tư khẩn trương tiếp thu các ý kiến của thành viên dự họp, hoàn thiện dự thảo văn bản Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý các trạm thu phí trên Quốc lộ 91 theo đúng quy định hợp đồng dự án, pháp luật liên quan.

[Đường vành đai phía Tây quyết định không gian mới của TP Cần Thơ]

Lưu ý làm rõ nguyên nhân bất cập tại trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91 dẫn đến doanh thu không đảm bảo phương án tài chính của dự án, phân tích kỹ các nguyên nhân liên quan đến quy hoạch giao thông vận tải quốc gia và địa phương; tác động đến phương án thu phí do Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định đầu tư tuyến đường tỉnh 922 và tuyến đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Vụ Đối tác công tư rà soát các phương án xử lý để nhóm lại thành hai phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ, gồm phương án 1: Xóa trạm thu phí T2, tiếp tục thu phí tại trạm thu phí T1; Phương án 2: Bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư xóa bỏ trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91 để giải quyết dứt điểm bất cập làm cơ sở đề xuất phương án xử lý theo đúng quy định hợp đồng dự án, pháp luật liên quan.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án BOT Quốc lộ  91 do Liên danh Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO là nhà đầu tư. Doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91.

Dự án tiến hành cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 theo hai phân đoạn với tổng mức đầu tư hơn 1.720 tỷ đồng. Trong đó, phân đoạn một là cải tạo, nâng cấp Quốc lộ  91 từ Km 14 đến Km 50+889; phân đoạn hai là mở rộng và tăng cường nền mặt đường Quốc lộ 91B đoạn từ Km 0+000 đến Km 15+793.

Dự án bắt đầu thu phí, hoàn vốn tại trạm T1 trên Quốc lộ 91 ngày 2/4/2016 và trạm T2 ngày 31/12/2016.

Tuy nhiên, do gặp phản ứng của tài xế, trạm T2 đã phải xả trạm, dừng thu phí từ tháng 5/2019 đến nay. Doanh nghiệp dự án đã nhiều lần phản ánh khó khăn, nguy cơ vỡ phương án tài chính do chỉ còn được thu phí tại trạm T1.

Khi những khó khăn cũ đang chờ giải quyết, một số cơ quan lưu ý, tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đang được nghiên cứu đầu tư, khi hoàn thành có thể có những tác động đối với dự án này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục