Bộ lạc săn đầu người ở Philippines bị đem tới Mỹ "triển lãm"

Câu chuyện về ngôi làng Igorrote trên đảo Coney bắt đầu từ năm 1905, khi những người thổ dân Philippines bị đưa vào một “vườn thú cho người” tại công viên giải trí Luna Park.
Bộ lạc săn đầu người ở Philippines bị đem tới Mỹ "triển lãm" ảnh 1Những người dân tộc ở trên đảo Coney. (Nguồn: DM)

Những người đàn ông chân trần mặc khố với những hình xăm bộ lạc ghi lại số đầu người mà họ đã săn được, ngồi bên lửa trại. Mỗi lần họ săn được đầu người từ ngôi làng đối phương, cả bộ lạc lại tổ chức ăn uống no nê, với thịt chó là món ăn chính.

 

Cảnh tượng này lẽ ra chỉ có thể diễn ra ở vùng núi phía bắc Philippines, nơi sinh sống của bộ lạc Bontoc Igorrote. Nhưng trên thực tế, nó đã từng xảy ra ngay tại đảo Coney - trung tâm giải trí nổi tiếng của nước Mỹ những năm đầu thế kỷ 20.

Câu chuyện về ngôi làng Igorrote trên đảo Coney bắt đầu từ năm 1905, khi những người thổ dân Philippines bị đưa vào một “vườn thú cho người” tại công viên giải trí Luna Park.

Bộ lạc này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều khách tham quan hiếu kỳ, thậm chí các phóng viên từ tờ New York Times, Washington Post, AP, và Vogue cũng đã đổ xô đến phỏng vấn họ. Những ngôi sao Broadway, các nhà nhân chủng học, và cả Alice Roosevelt - con gái của Tổng thống Teddy Roosevelt cũng đã từng tới đây.

 

Người quản lý ngôi làng của họ là tiến sỹ Truman Hunt. Nhờ những câu chuyện của Hunt về “bộ lạc man rợ săn đầu người, ăn thịt chó” được đăng trên khắp các tờ báo, ngôi làng Igorrote trên đảo Coney ngày càng nhận được nhiều sự chú ý.

Thế nhưng đây chỉ là khởi đầu của một câu chuyện dài về những người Igorrote trên đất Mỹ thời đó, và chỉ một năm sau đó thôi, họ sẽ trở thành những nhân chứng tại tòa án chống lại Hunt - người bị buộc tội trộm cắp và đối xử thiếu nhân tính với họ.

Đây là lần đầu tiên câu chuyện về Truman Hunt và những người Igorrote được kể lại, trong một cuốn sách mới mang tên "The Lost Tribe of Coney Island" của tác giả Clare Prentice, sẽ ra mắt độc giả vào ngày 14/10 tới.

Trong suốt thời gian bị đem ra “trưng bày” ở Mỹ, những người Igorrote không được phép rời khỏi khu vực dành cho họ. Họ phải xây dựng tháp canh, thực hiện các nghi thức của bộ lạc một cách tùy tiện và ăn thịt chó mỗi ngày - những điều trái ngược hẳn với các phong tục tập quán từ xưa tới nay của họ - tất cả chỉ nhằm dựng nên những màn biểu diễn để thỏa mãn trí tò mò của khách tham quan, theo hướng dẫn của Hunt.

Không những thế, Truman Hunt còn chiếm dụng một lượng lớn tiền bạc và của cải do du khách tặng cho những người Igorrote, giúp hắn trở nên vô cùng giàu có.

Khi được chứng kiến những điều kiện sống khủng khiếp của bộ lạc Igorrote ở đảo Coney, một vị khách đã viết thư cho chính phủ Mỹ thời đó để yêu cầu xử lý việc này. Sau đó, Hunt đã bị săn lùng, và cuối cùng bị bắt vào tháng 10 năm 1906.

Y bị cáo buộc đã chiếm đoạt 9600 USD của bộ lạc, đồng thời sử dụng vũ lực để cướp hàng trăm USD từ tiền họ kiếm được từ việc bán đồ lưu niệm thủ công. Năm người Philippines đã đứng ra làm chứng trong vụ xử Truman Hunt.

Trong suốt quá trình xảy ra vụ việc, những người Igorrote luôn hành động với sự tôn trọng, mặc dù phải hứng chịu sự khiêu khích và ngược đãi. Câu chuyện của họ khiến người đọc phải đặt ra câu hỏi: Ai mới là người văn minh, còn ai mới là kẻ man rợ?

Cuốn sách với tên đầy đủ là “The Lost Tribe of Coney Island: Headhunters, Luna Park, and the Man Who Pulled Off the Spectacle of the Century” của tác giả Claire Prentice sẽ ra mắt vào ngày 14/10 tới. Để đọc một số đoạn trích cũng như xem thêm nhiều hình ảnh về ngôi làng Igorrote trên đảo Coney, hãy truy cập vào trang web claireprentice.org./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.