Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lên tiếng về thống nhất đào tạo nghề

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tuân thủ quyết định của Chính phủ về việc thống nhất quản lý đào tạo nghề để góp phần phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế xã hội của đất nước
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lên tiếng về thống nhất đào tạo nghề ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngày 17/6, tại buổi tọa đàm báo chí về công tác của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan đã trả lời quan điểm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội liên quan đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xin phép được quản lý hệ thống giáo dục quốc dân từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, kể cả bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện đang thuộc quản lý nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết quan điểm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là Chính phủ quản lý thống nhất về giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ thấy việc quản lý dạy nghề ở cơ quan nào mà góp phần phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì do Chính phủ quyết định. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng sẽ tuân thủ theo quyết định của Chính phủ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định: “Nếu Chính phủ tiếp tục giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì Bộ sẽ kế thừa kinh nghiệm của 42 năm vừa qua quản lý lĩnh vực đào tạo nghề, cũng như rút kinh nghiệm khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để quản lý lĩnh vực này tốt hơn, đáp ứng ngày càng cao hơn nữa yêu cầu của thị trường lao động, của hội nhập quốc tế về nguồn nhân lực và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.”

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong 42 năm thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì lĩnh vực dạy nghề cũng đã được khôi phục và phát triển.Thời gian qua dạy nghề đã gắn chặt với thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động, gắn với giảm nghèo và gắn trực tiếp với các đối tượng mà ngành lao động-Thương binh và Xã hội quản lý như: Người lao động trực tiếp, dạy nghề cho người khuyết tật, các đối tượng nghèo, lao động nông thôn… góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.

Trong 61 năm lịch sử cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề, có 42 năm là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý thực hiện, 9 năm thuộc Chính phủ, 11 năm thuộc Bộ Giáo dục đào tạo.

Trong 23 năm từ năm 1955 đến 1978, thành lập Tổng Cục Đào tạo công nhân kỹ thuật trực thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Sau đó, từ năm 1978 đến năm 1987, thành lậpTổng Cục Dạy nghề trực thuộc Chính phủ. Tức là 23 năm đầu thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 9 năm sau thuộc Chính phủ.

Giai đoạn 3 từ năm 1987 đến năm 1992, trong 5 năm Tổng Cục Dạy nghề xác nhập vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Giai đoạn 4, trong 6 năm từ năm 1992-1998 dạy nghề thành Vụ Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Để thực hiện Nghị quyết trung ương 2 khóa VIII về thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng gắn chặt dạy nghề với công tác quản lý lao động, việc làm, xuất khẩu lao động. Sau khi nghe Thủ tướng Chính phủ báo cáo, Bộ Chính trị đã quyết định từ nay chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chính vì vậy giai đoạn 5 từ năm 1998 đến nay,19 năm thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục