Theo phóng viên TTXVN tại CHLB Đức, ngày 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius công bố đề xuất chế độ nghĩa vụ quân sự mới tại nước này, sau 13 năm đình chỉ mô hình nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở Đức về việc làm thế nào để tăng cường năng lực cho quân đội nước này (Bundeswehr). Tuy nhiên, các đề xuất vừa được đưa ra không khôi phục hoàn toàn chế độ nghĩa vụ quân sự như mô hình đã bãi bỏ năm 2011.
Tài liệu đề xuất của Bộ Quốc phòng Đức nêu rõ: “Chúng tôi muốn một mô hình mới chủ yếu dựa vào sự tham gia tự nguyện, nhưng cũng bao gồm các yếu tố bắt buộc nếu cần thiết.”
Các nam thanh niên Đức sẽ được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi bắt buộc về mức độ sẵn lòng và khả năng phục vụ trong quân đội của họ. Từ đó, Bundeswehr sẽ chọn ra những cá nhân phù hợp và có động lực nhất sau khi kiểm tra sức khỏe. Các nữ thanh niên Đức cũng sẽ nhận được bảng câu hỏi nhưng không bắt buộc phải trả lời.
Theo tài liệu mới được công bố, mô hình mới bao gồm nghĩa vụ quân sự cơ bản kéo dài 6 tháng và có thể lựa chọn nghĩa vụ quân sự tự nguyện bổ sung thêm tối đa 17 tháng.
Nghị sỹ Johannes Arlt thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đánh giá đây là "một sáng kiến chính trị rất sáng suốt, bởi nước Đức cần có thời gian để tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ đất nước và cũng để đóng góp vào phòng thủ chung trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)."
Tuy nhiên, ông Arlt cũng cho rằng cần phải áp dụng lại chế độ nghĩa vụ quân sự và tăng cường khả năng tuyển dụng của quân đội.
Ông nhấn mạnh "điều quan trọng là kế hoạch mới phải mang lại cho thanh niên Đức một động lực thực sự để tình nguyện tham gia, xem xét các giá trị và tài năng của những người trẻ tuổi và giao cho họ những công việc có ý nghĩa."
Nghị sỹ Nils Gründer thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) cho biết đảng của ông cũng nghiêng về ý tưởng dựa vào chế độ tình nguyện nhập ngũ. Ông nói: "Chúng tôi trong FDP muốn đảm bảo rằng Bundeswehr tuyển dụng ở mọi trường học hằng năm và rằng những người trẻ tuổi biết những cơ hội nghề nghiệp nào mà quân đội có thể mang lại cho họ."
Bất chấp những nỗ lực mới nhằm thu hút người tự nguyện nhập ngũ, quân số của quân đội Đức ngày càng giảm và hiện chỉ còn 181.500 binh sỹ.
Theo đánh giá hiện tại, đóng góp của Đức cho lực lượng phòng thủ của NATO sẽ cần khoảng 460.000 binh sỹ trong dài hạn.
Nghị sỹ Johannes Arlt kỳ vọng quân đội Đức có thể tuyển được khoảng 40.000 nam giới và nhập ngũ chính thức khoảng 10.000 binh sỹ mỗi năm trong vài năm đầu, lý tưởng nhất là con số này sẽ tăng hằng năm.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng quân đội Đức hiện tại không có đủ năng lực tại các căn cứ, không có đủ cơ sở hạ tầng để tiếp nhận số quân lớn trong thời gian ngắn.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius cho biết Đức cần tăng cường năng lực của Bundeswehr để sẵn sàng trong trạng thái chiến đấu trước cuối thập kỷ này./.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói: “Đây là tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Ukraine, chứng tỏ chúng tôi sẽ không bỏ rơi họ,” trong bối cảnh sự chú ý của cộng đồng quốc tế đang đổ dồn về cuộc xung đột Hamas-Israel.