Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói: “Đây là tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Ukraine, chứng tỏ chúng tôi sẽ không bỏ rơi họ,” trong bối cảnh sự chú ý của cộng đồng quốc tế đang đổ dồn về cuộc xung đột Hamas-Israel.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (thứ hai, trái) trong chuyến thăm các binh sỹ tại căn cứ huấn luyện ở Altengrabow, gần Moeckern, miền Đông nước Đức, ngày 26/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (thứ hai, trái) trong chuyến thăm các binh sỹ tại căn cứ huấn luyện ở Altengrabow, gần Moeckern, miền Đông nước Đức, ngày 26/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố Berlin sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Kiev trong năm 2024, lên mức 8 tỷ euro (tương đương 8,5 tỷ USD).

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ARD, Bộ trưởng Quốc phòng Đức bày tỏ: “Đây là tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Ukraine, chứng tỏ chúng tôi sẽ không bỏ rơi họ,” trong bối cảnh sự chú ý của cộng đồng quốc tế đang đổ dồn về cuộc xung đột Hamas-Israel.

Trong khi đó, một nguồn tin chính trị ở Berlin cùng ngày cho biết liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhất trí về nguyên tắc tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới lên mức 8 tỷ euro.

[Mỹ nêu quan điểm về việc kết nạp Ukraine trở thành thành viên NATO]

Theo nguồn tin trên, nếu được Quốc hội Đức thông qua, nơi các đảng ủng hộ Thủ tướng Scholz chiếm đa số, mức tăng này sẽ nâng chi tiêu quốc phòng của Đức lên mức 2,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), vượt mức mục tiêu 2% GDP mà tất cả các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết.

Trong khi đó, cũng liên quan đến tình hình Ukraine, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak ngày 12/11 đã đến Mỹ cùng phái đoàn do Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko dẫn đầu để đàm phán về việc hợp tác và hỗ trợ cho Kiev.

Ông Yermak cho biết: “Tôi sẽ có các cuộc họp tại Nhà Trắng, Quốc hội, các tổ chức tư vấn và đại diện của các tổ chức xã hội dân sự.”

Bên cạnh đó, phái đoàn do Bộ trưởng Svyrydenko dẫn đầu sẽ thảo luận về “công thức hòa bình của Tổng thống (Volodymyr Zelensky), chính sách tăng cường phòng thủ của Ukraine, làm sâu sắc thêm một cách toàn diện quan hệ hợp tác song phương và nhiều chủ đề quan trọng khác.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.