Sáng 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình trước Quốc hội về việc thực hiện chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ, tín dụng; về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; việc bố trí nguồn lực ngân sách các cấp trong việc thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng đang vướng mắc hiện nay...
Tồn dư ngân sách 1 triệu tỷ đồng
Mở đầu giải trình Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Năm 2022 dù có bất cứ lý do gì thì chúng ta cũng khẳng định việc điều hành kinh tế - xã hội thành công một cách rực rỡ.”
Về các ý kiến việc lập dự toán không sát dẫn đến số vượt thu cao, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thời điểm lập dự toán tháng 9/2021, tức là giai đoạn COVID-19 bùng phát và lúc này GDP tăng trưởng -6,02%, như vậy thu ngân sách của tháng 9/2021 -46% so với cùng kỳ, dẫn đến việc dự kiến dự toán ngân sách sát hợp với tình hình thực tiễn tại thời điểm đó. Nhưng đến năm 2022 khi chống dịch thành công, quý 1 tăng trưởng 5,05%, quý 2 tăng được 7,83%, quý 3 thì tăng lên 13,7% và bình quân cả năm là 8,02%. Vì lý do đó nên vượt thu ngân sách đạt 403.400 tỷ đồng,
Giải trình về vấn đề tồn dư ngân sách 1 triệu tỷ đồng song không dùng vào việc khác? Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: "Trên thực tế hiện nay tồn dư ngân sách là 1.043.000 tỷ đồng và chúng tôi gửi Ngân hàng Nhà nước 895.000 tỷ đồng, ngân hàng thương mại là 130 tỷ đồng." Tuy nhiên, số tiền này đã gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.
"Đây là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn, chẳng hạn như bố trí vào các dự án đầu tư công, dự án về chương trình mục tiêu quốc gia… Việc tồn đọng do chưa giải ngân hết chứ không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác," Bộ trưởng Bộ tài chính cho hay.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết hiện nay còn khó khăn về tổng cầu của nền kinh tế. Vì vậy, phải tháo được tổng cầu, tức là tăng tiêu dùng xã hội, tăng đầu tư tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực như bất động sản, điện tái tạo, giải ngân đầu tư công hay xuất, nhập khẩu.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng phải phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương và các bộ, ngành. Ví dụ, về vốn chương trình mục tiêu, chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp các công trình công và các máy móc thiết bị... thì nên phân cấp và tập trung giải quyết những vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là đất đai và các công trình điện.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho hay cần giải quyết thị trường và cung ứng vốn, cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp là "tế bào" của nền kinh tế, doanh nghiệp có phát triển thì mới giải quyết được công ăn việc làm, tăng trưởng và thu ngân sách sẽ thành công.
Tập trung quản lý bảo hiểm nhân thọ
Về quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết vừa qua có những tồn tại như kênh liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm, tức là ngân hàng thương mại ký hợp đồng với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm cho khách hàng thông qua ngân hàng giới thiệu để hưởng hoa hồng. Các hợp đồng dài, chưa rõ ràng nên người mua thường đọc không kỹ cho nên xảy đến việc thua thiệt khi khiếu kiện.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng và những công ty bảo hiểm vi phạm. “Chúng tôi liên tục hội ý và phối hợp với nhau để thực hiện nhiệm vụ này,” ông nói.
[Để người dân không quay lưng, bảo hiểm nhân thọ phải thực sự minh bạch]
Bộ Tài chính cũng đang xây dựng nghị định và thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên và quy định gói định mức tối đa chi thưởng, quy định các vấn đề về chi đại lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
"Chúng tôi cũng đang tập trung vào những nội dung để quản lý kinh doanh bảo hiểm nhân thọ," Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Về kinh phí cho chương trình tiêm chủng, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính thì nguồn này được bố trí trong chi thường xuyên. Trong năm 2021 bố trí được 134 tỷ đồng cho tiêm chủng mở rộng; năm 2022 là 178 tỷ đồng. Kinh phí cho năm 2023 hiện Bộ Tài chính đã đang phối hợp với Bộ Y tế để bố trí kinh phí mua vaccine và việc này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để triển khai.
Về vấn đề quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết lộ trình thực hiện tự chủ tài chính là phải đảm bảo cho việc tính giá dịch vụ của sự nghiệp công theo nguyên tắc tính đủ chi phí dịch vụ, cho nên cần phải ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành để đáp ứng kịp thời nội dung này. Sau 3 năm thực hiện, hiện nay các đơn vị thuộc y tế và giáo dục phản ánh là có những vấn đề bất hợp lý trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP và đề nghị sửa nghị định một cách sát hợp hơn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng lưu ý các đơn vị cần phải quán triệt Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 phải phấn đấu đảm bảo 20% đơn vị tự chủ được tài chính./.