Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, mỗi lĩnh vực có đặc thù khác nhau nên nếu bộ này quy định khung tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư với từng khu vực, dự án là không khả thi.
Đây là nội dung trong văn bản của Bộ Tài chính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về kết quả kiểm toán các dự án BOT giao thông.
[Hàng loạt dự án BOT giao thông vào tầm ngắm Kiểm toán Nhà nước]
Theo đại diện Bộ Tài chính, lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư khá rộng với nhiều hình thức hợp đồng. Mỗi lĩnh vực lại có đặc thù khác nhau nên lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, việc quy định khung tỷ suất lợi nhuận phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án là không khả thi.
Tuy vậy, đại diện Bộ Tài chính cũng dẫn quy định có nêu rõ: Trường hợp cần thiết, bộ, ngành phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cụ thế khung lợi nhuận cho các dự án thuộc bộ, ngành quản lý.
“Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được đề nghị của các bộ, ngành liên quan về việc xây dựng khung lợi nhuận cho các dự án thuộc bộ, ngành quản lý,” văn bản của ngành tài chính nêu lên.
Về nguồn vốn chủ sở của nhà đầu tư tham gia dự án, đại diện Bộ Tài chính cũng chỉ ra, Nghị định của Chính phủ đã có nội dung: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Ngoài ra, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng dẫn một số văn bản khác liên quan tới mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cũng như tiến độ góp vốn để cho thấy, các quy định về các nội dung này đã được quy định tại các văn bản.
Bởi vậy, việc nhà đầu tư không thực hiện huy động vốn chủ sở hữu theo cam kết tại hợp đồng PPP và các văn bản quy phạm pháp lý hiện hành thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Riêng với mức giá được áp dụng cho dịch vụ sử dụng đường bộ với các dự án BOT giao thông, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, phí sử dụng đường bộ hoàn vốn BOT hiện đã chuyển sang cơ chế giá từ đầu năm 2017. Các văn bản của Bộ Tài chính về hướng dẫn thu phí sử dụng đường bộ hiện đã hết hiệu lực.
Trong khi ấy, quy định mới nhất hiện nêu lên: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tối đa giá dịch vụ sử dụng đường bộ với dự án BOT do bộ quản lý, bao gồm cả trường hợp miễn, giảm giá (nếu có); Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ đối với dự án BOT do địa phương quản lý.
Như vậy, theo quy định hiện hành, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền thực hiện các công việc từ rà soát, thẩm định phương án tài chính của dự án tới quy định mức giá tối đa áp dụng chung cho dịch vụ sử dụng đường bộ gồm đường quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.
Bộ Giao thông Vận tải cũng là đơn vị có quyền thống nhất với nhà đầu tư, doanh nghiệp, dự án tại hợp đồng về mức giá cụ thể đối với dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh./.