Bộ Tài chính đề xuất bỏ 26 khoản thu trong danh mục phí, lệ phí

22 loại phí và 4 loại lệ phí vừa được Bộ Tài chính đề xuất bỏ hoặc chuyển sang cơ chế giá để phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Phí trông giữ xe có thể được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ. (Nguồn: TTXVN)

22 loại phí và 4 loại lệ phí vừa được Bộ Tài chính đề xuất bỏ hoặc chuyển sang cơ chế giá để phù hợp hơn với điều kiện thực tế.

Theo dự thảo Luật phí và lệ phí vừa được Bộ Tài chính công bố, 3 loại phí trùng phí được cơ quan này đề xuất loại bỏ khỏi danh mục là: Phí an ninh, trật tự, phí phòng, chống thiên tai và phí sử dụng thiết bị, cơ sở hạ tầng chứng khoán.

Qua rà soát, Bộ Tài chính cũng cho rằng, một số khoản phí, lệ phí tuy có tên trong danh mục hiện tại nhưng thực tế chưa phát sinh. Từ đó, dự thảo mới của ngành tài chính đề xuất bỏ một số khoản như: Phí giám định hàng hóa xuất nhập khẩu, phí sử dụng đường biển, phí luồng, lạch đường thủy nội địa, phí bảo vệ tần số vô tuyến điện, phí giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia,…

Đặc biệt, theo đề xuất của ngành tài chính, một số khoản phí, lệ phí có thể chuyển sang giá dịch vụ. Theo giải thích của Bộ Tài chính, một số bộ, địa phương trước đó đề nghị chuyển một số loại phí thành giá dịch vụ để khuyến khích thu hút đầu tư, cụ thể là: phí trông giữ xe; phí vệ sinh, phí qua đò, phí chợ, phí sử dụng đường bộ thu qua trạm BOT.

Đại diện ngành tài chính cho rằng, đến nay, có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang tự chủ tài chính và sự ra đời của các doanh nghiệp tư nhân cùng đầu tư vào các lĩnh vực này (xây dựng bãi trông giữ xe, đấu thầu kinh doanh vệ sinh môi trường, xây dựng chợ, bến bãi...). Bộ Tài chính thấy rằng, nếu tiếp tục để các loại phí này trong danh mục sẽ hạn chế thu hút đầu tư cũng như ảnh hưởng đến thực hiện tự chủ tài chính của các tổ chức, cá nhân.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất theo hướng, dịch vụ thu 5 loại phí nêu trên do Nhà nước đầu tư thì thu phí và vẫn giữ tên trong danh mục phí, trường hợp không do Nhà nước đầu tư thì chuyển sang cơ chế giá.

Bên cạnh 5 khoản phí trên, Bộ Tài chính cũng kiến nghị đưa một số khoản phí sang cơ chế giá như: Phí kiểm định phương tiện đo lường, phí giám định tư pháp, phí đấu thầu, viện phí, lệ phí dự thi dự tuyển,...

Theo thống kê của ngành tài chính, hiện danh mục phí gồm 73 loại phí, được sắp xếp thành 12 nhóm và 43 loại lệ phí, được xếp thành 5 nhóm. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng phí và lệ phí thu được theo Bộ Tài chính là chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước cũng như yêu cầu thực hiện chủ trương xã hội hóa để thu hút vốn đầu tư vào các dịch vụ công.

Cũng trong dự thảo, Bộ Tài chính cho rằng, một số quy định đến nay không còn phù hợp, bộc lộ hạn chế như địa phương có quyền quy định về nhiều loại phí và lệ phí, trong khi không có quyền miễn, giảm. Như vậy, theo đại diện ngành tài chính, chưa có sự cân xứng về quyền quyết định và quyền miễn giảm.

Qua đó, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ quy định trong dự thảo Luật theo hướng: Giao cho địa phương quyết định miễn, giảm các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục