Bộ Tài chính lần đầu lên tiếng vụ lùm xùm cổ phần hóa hãng phim truyện

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, đất của Hãng phim truyện Việt Nam được quy hoạch như thế nào sử dụng như thế, nếu là xưởng phim, trường quay thì mãi mãi làm xưởng phim, trường quay.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nói về quá trình cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam.

Những tranh cãi sau cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam theo lãnh đạo Bộ Tài chính là chuyện “trách người, trách ta.” Tuy vậy, đại diện cơ quan này cũng cho biết, câu chuyện trên là bài học cho cơ quan chức năng khi cổ phần hóa những doanh nghiệp sắp tới, đặc biệt là những đơn vị có ngành nghề kinh doanh đặc thù như làm phim.

Đây là nội dung được ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nói lên tại buổi họp báo ngày 27/9 tại Hà Nội.

Không ý kiến từ đầu?

Mặc dù là cuộc họp báo có nội dung khá rộng về tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước năm 2017 và kế hoạch giai đoạn năm 2016-2020 nhưng phần lớn câu hỏi gửi tới lãnh đạo ngành tài chính chỉ về câu chuyện tranh cãi tại Hãng phim truyện Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam).

Trước đó, đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm khi các nghệ sỹ của Hãng phim truyện Việt Nam đồng loạt “kêu” tình trạng chậm lương, trả lương thấp và chuyện đơn vị mua lại hãng không có định hướng làm phim. Cuộc trao đổi của lãnh đạo Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), đơn vị nắm giữ 65% cổ phần hãng phim với các nghệ sĩ sau đó cũng không tìm được tiếng nói chung.

[Phó Thủ tướng: Thanh tra cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam]

Bình luận về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong vụ việc trên, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng “phải trách người trách ta.” Ông khẳng định, ngay từ phương án cổ phần hóa được đưa ra ban đầu, người lao động hoàn toàn có thể có ý kiến.

Theo quy trình, từ khi có phương án cổ phần hóa lần đầu, đơn vị đã có buổi phổ biến cho người lao động để nói rõ cổ đông chiến lược là ai, thế mạnh là gì và để người lao động cùng ý kiến. Ông Tiến nhấn mạnh, nếu phương án đưa ra không được cán bộ đồng thuận thì phải dừng lại.

Quay trở lại với câu chuyện của Hãng phim truyện Việt Nam, ông cho rằng, người lao động cũng chưa làm tròn trách nhiệm.

“Khi cổ phần hóa ta có quyền tranh cãi, có ý kiến thì phải nói đi, vai trò của người lao động trong quá trình cổ phần hóa, ta quên mất rồi hay sao,” ông Tiến nói.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý, cơ quan quản lý Nhà nước cũng “chưa hiểu tâm tư anh em, nóng vội triển khai hoặc thiếu sót.”

Bộ Tài chính lần đầu lên tiếng vụ lùm xùm cổ phần hóa hãng phim truyện ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Không phải có tiền, muốn làm gì thì làm

Về xử lý với “mảnh đất vàng” của Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, ông Tiến khẳng định, việc này đã có quy trình rõ ràng.

“Nếu quy hoạch làm xưởng phim, trường quay thì mãi mãi làm xưởng phim, trường quay,” ông Tiến cho biết.

Theo ông, nếu những phần đất này chuyển sang xây chung cư, siêu thị,... thì theo quy định, thành phố sẽ thu lại, xác định giá mới tùy từng địa điểm, vị trí. Sau đó, công ty cổ phần hóa nếu đủ tiền trả Nhà nước theo mức giá mới thì thanh toán, sử dụng, nếu không, cơ quan chức năng sẽ đấu giá cho đơn vị khác khai thác.

Tuy vậy, về vấn đề đúng sai trong quá trình trên tại Hãng phim truyện Việt Nam, ông Tiến cho rằng, cơ quan chức năng đang thực hiện thanh tra nên cần phải đợi kết luận.

Nhìn lại câu chuyện đang thu hút dư luận, ông Tiến cũng thừa nhận, chuyện tranh cãi sau cổ phần ở hãng phim cũng cảnh báo cơ quan chức năng phải làm thật chặt, phải suy nghĩ kỹ và thận trọng khi cổ phần hóa những đơn vị đặc thù.

Theo ông, cơ quan chức năng đang xây dựng Dự thảo Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong đó dự tính, với một số ngành nghề kinh doanh, điều kiện chọn cổ đông chiến lược là phải cùng ngành nghề, ví dụ như làm phim.

“Không thể mở ra, ai có tiền muốn làm gì thì làm được,” ông Tiến lên tiếng.

Với những ngành đặc thù như làm phim, kiểm toán,… Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, giá trị về chất xám con người vô cùng quan trọng.

“Anh có tiền, anh bắt người ta có giá trị gia tăng, lợi nhuận là người ta bỏ đi,” ông Tiến nói.

Hướng sửa đổi quy định khác theo ông là, nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất ba năm.

“Nếu nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết sẽ phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước. Thiệt hại sẽ được xác định tùy theo mức thực tế. Cam kết thể hiện bằng văn bản, hơp đồng, nếu tranh chấp thì ra tòa,” lãnh đạo Bộ Tài chính nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.