Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong bối cảnh hạ tầng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; đặc biệt là cơ chế đầu tư theo hướng huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.
Tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt thấp
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết môi trường nước ta đang chịu áp lực lớn từ các nguồn xả thải gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và các vùng lân cận.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2020, môi trường phải tiếp nhận hơn 3.650 triệu m3 nước thải sinh hoạt; trong đó nước thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa qua xử lý vẫn đang tiếp tục là nguồn thải lớn (chiếm khoảng 60% lượng nước thải), gây tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở cả đô thị và nông thôn.
Cả nước hiện có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380 m3/ngày đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị còn rất thấp, mới chỉ đạt khoảng 15%. Trong đó, ở nông thôn, hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
[Đề nghị công bố danh mục ‘vùng hạn chế khai thác nước dưới đất’]
Nguyên nhân của việc hạ tầng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế nêu trên là do tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn thấp (trong khi 90% hộ gia đình xả nước thải vào bể tự hoại chỉ 4% lượng phân bùn được xử lý); giá dịch vụ thoát nước vả xử lý nước thải quá thấp (trung bình chỉ bằng khoảng 10% giá nước sạch), chỉ đáp ứng được khoảng 10% chi phí xử lý thực tế.
Bên cạnh đó, năng lực của một số chủ thể liên quan (chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án) chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa theo kịp sự phát triển của hệ thống và các công nghệ mới; khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải nhìn chung còn thấp. Các đơn vị chịu trách nhiệm thoát nước và xử lý nước thải lại có quyền tự chủ rất hạn chế trong hoạt động quản lý vận hành và phát triển hệ thống.
Việc kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng các công trình thoát nước và xử lý nước thai theo quy hoạch cũng chưa được thực hiện thường xuyên.
Ngoài ra, đầu tư tài chính cho công tác quản lý nước thải còn thiếu và chưa cân đối mặc dù đã có sự tham gia của khối tư nhân; cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân còn chưa hiệu quả; năng lực của một số chủ thể liên quan (chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án) chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa theo kịp sự phát triển của hệ thống và các công nghệ mới.
Huy động đầu tư nhà máy xử lý nước thải
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng thời gian tới cần có phương án thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; đặc biệt là cơ chế đầu tư theo phương phức đối tác công tư để huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.
Theo đó, các địa phương cần ban hành lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Các địa phương cần sớm ban hành lộ trình và chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận (trong trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư đã hình thành trước đây).
Ngoài ra, các địa phương sớm ban hành lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sớm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xả chất thải trực tiếp ra sông; kiên quyết không cấp phép cho các dự án có xả nước thải ra môi trường mà nước thải không đạt tiêu chuẩn ở mức cao nhất và sẵn sàng đề nghị xử lý nghiêm.
Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch; từ đó thực hiện việc tách nước thải để xử lý tập trung, giảm thiểu ô nhiễm.
Cơ quan này cũng đề nghị các địa phương tăng cường hướng hướng hợp tác công-tư, xã hội hóa trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải; địa phương nào gây ô nhiễm chính chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm lưu vực sông./.