Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là vấn đề rác thải nhựa, ô nhiễm nguồn nước mặt tại các khu đô thị, sông, hồ, kênh rạch, mới đây, cử tri thành phố Hải Dương đã đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đặc biệt là giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường hiện nay.
Trả lời kiến nghị trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương rà soát đối tượng thanh tra, lập, phê duyệt, thực hiện kế hoạch thanh-kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước; định hướng đối tượng, lĩnh vực và địa bàn kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường cho các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với lực lượng Công an nhân dân phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; cung cấp thông tin kịp thời các dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật.
Trong 5 năm trở lại đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra hơn 3.000 cơ sở, khu công nghiệp trên cả nước, qua đó đã phát hiện hơn 1.300 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính lên tới 275 tỷ đồng.
[Mong muốn đưa nguyện vọng, tiếng nói cử tri đến nghị trường Quốc hội]
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chú trọng vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, địa phương trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường; quy định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua cũng đã bổ sung nhiều quy định về thanh tra, kiểm tra và một số quy định đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Luật đã quy định bổ sung trách nhiệm thanh tra đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, trách nhiệm kiểm tra của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã nhằm tăng cường lực lượng trong công tác thanh-kiểm tra; quy định “thanh tra đột xuất không được công bố trước” trong trường hợp cần thiết để khắc phục hạn chế trong pháp luật về thanh tra và kịp thời phát hiện vi phạm đối với các đoàn thanh tra khi doanh nghiệp có xu hướng đối phó với các đoàn thanh, kiểm tra.
Bên cạnh đó, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng đã quy định mức xử phạt tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân và là 2 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm về bảo vệ môi trường. Như vậy, mức xử phạt hiện nay là phù hợp và bảo đảm tính răn đe./.