Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Không cứng nhắc cố định thời điểm kết thúc năm học

Với hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, các địa phương đã ban hành những kịch bản, lộ trình, các phương án, tổ chức diễn tập, chuẩn bị các điều kiện... quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Không cứng nhắc cố định thời điểm kết thúc năm học ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên giải trình. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục Phiên giải trình về tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19 chiều 25/2, các đại biểu đề nghị tập trung làm rõ kế hoạch đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như sự an toàn khi trẻ quay lại trường học; việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi; thời điểm kết thúc năm học 2021-2022; xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học…

Quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học

Trả lời câu hỏi của các địa biểu Quốc hội về việc đảm bảo an toàn cho trẻ quay lại trường học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, với hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã ban hành những kịch bản, lộ trình, các phương án, tổ chức diễn tập, chuẩn bị các điều kiện... quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học.

“Quyết tâm của ngành, phối hợp của các địa phương rất lớn nhưng tâm lý lo ngại của phụ huynh vẫn còn bộn bề, ngổn ngang mặc dù tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong ở trẻ thấp. Một phần nữa, phụ huynh còn lo lắng về việc tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi, vấn đề hậu COVID-19...," Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời kiến nghị sớm thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi để đảm bảo an toàn cho trẻ, tăng sự an tâm cho phụ huynh.

Khẳng định tiếp tục nhất quán trong việc chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh đây là xu hướng tất yếu, không thể khác được.

Trên thực tế, tính đến 11 giờ ngày 25/2, mặc dù đã có một số nơi điều chỉnh chính sách, nhưng tỷ lệ học sinh từ mầm non đến phổ thông trở lại trường học trực tiếp trên cả nước đạt 88,25%.

“Căn cứ cấp độ dịch, cơ sở vật chất và sự linh hoạt từng địa phương nhằm kiên định việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Rất khó có phương án giải quyết tất cả các mục tiêu trong lúc này," Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.

Cùng với đó, việc tuyên truyền, tập huấn giáo viên, phụ huynh đang được tăng cường; một số lúng túng đã được giải quyết về chủ trương như thống nhất việc học bán trú ở trường, xử lý khi có ca F0, thời gian cách ly F1, F2... và có hướng dẫn nhất quán, góp phần giảm bớt lo lắng sự xử lý khác nhau giữa các địa phương khi học sinh đi học trở lại.

“Đối với lớp học phát hiện ca mắc COVID-19 ít nhiều sẽ gây ra xáo trộn trong tổ chức lớp học cũng như khâu kiểm tra đánh giá, nhưng đây là tình thế buộc phải thích ứng. Qua khảo sát thực tế tại các lớp học, giáo viên và học sinh bình tĩnh, ứng phó, ghi ở cửa sỹ số số lượng F0, F1... phần lo lắng chủ yếu rơi vào phụ huynh và xã hội nhiều hơn," Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Không cứng nhắc cố định thời điểm kết thúc năm học ảnh 2Dạy học linh hoạt, đảm bảo an toàn cho học sinh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Đối với tiến độ kết thúc năm học, trong kế hoạch thực hiện năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, tùy tình hình, các địa phương có thể lùi thời điểm kết thúc năm học phù hợp, "có thể vào giữa hè hoặc cuối Hè, không cứng nhắc cố định thời điểm kết thúc."

Làm rõ thêm các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: “Triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, người lớn thích ứng an toàn, linh hoạt, không thể không cho học sinh, sinh viên, trẻ em thích ứng. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế và các địa phương cho các em tới trường. Ngay từ trước Tết Nguyên đán, 55/63 địa phương có phương án cho trẻ mầm non đi học, 57/63 địa phương cho học sinh Tiểu học đi học trở lại, 59/63 địa phương cho học sinh Trung học cơ sở đi học... Trong khi đó, theo báo cáo cơ sở, chỉ có 18% học sinh lây nhiễm từ trường học, còn lại cơ bản lây từ gia đình trong dịp Tết. Như vậy, việc cho học sinh đi học trở lại là chủ trương đúng, là phương án không thể khác được và không có biện pháp nào an toàn một cách tuyệt đối."

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến ngày 25/2, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 chiếm 99%, mũi 2 khoảng 98%, mũi 3 khoảng 32%.

Trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm mũi 1 chiếm khoảng 99%, mũi 2 chiếm 94%. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 213 triệu liều vaccine (50% các quốc gia, tổ chức hỗ trợ), tiêm được khoảng 193 triệu liều.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Không cứng nhắc cố định thời điểm kết thúc năm học ảnh 3Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại phiên giải trình. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đồng ý để Bộ Y tế mua gần 22 triệu liều vaccine của Pfizer để tổ chức tiêm cho nhóm trẻ này.

Các thủ tục mua vaccine cho trẻ đến nay cơ bản xong. Bộ Y tế đang đề nghị đơn vị cung cấp chuyển vaccine về trong nước chậm nhất trước 30/4 để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng cho trẻ em. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn y tế cơ sở tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Về câu hỏi đảm bảo an toàn của trẻ em quay lại trường học, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, qua làm việc, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh, thời điểm nay đưa ra quan điểm coi dịch COVID-19 như cúm mùa là quá sớm; dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa thể chấm dứt trong năm 2022 và có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới.

Đối với vấn đề về thuốc điều trị, ngày 17/2, Bộ Y tế cấp phép 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, giá bán 250 nghìn đồng/liều và yêu cầu kiểm soát giá này (trước đó, người dân mua phải mua từ 7-10 triệu/liều).

“Tuy nhiên, theo chuyên môn đánh giá, thuốc điều trị COVID-19 cho trẻ em, có ảnh hưởng tác dụng phụ nên trong hướng dẫn khuyến cáo không dùng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em."

[Giải trình về tình hình tổ chức dạy học trong bối cảnh COVID-19]

Để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành các văn bản về hướng dẫn công tác phòng, chống dịch trong trường học.

“Cơ bản nhất hiện nay là các địa phương tổ chức thực hiện như thế nào? Bộ Y tế và Bộ Giáo dục không có văn bản nào cấm đưa học sinh đến trường mà chỉ có hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch khi đến trường; căn cứ cấp dịch để dạy trực tuyến hay trực tiếp phù hợp từng địa bàn của tỉnh. Sau khi xuất hiện các ca mắc trong trường học, các địa phương tự ra văn bản quyết định dừng học trực tiếp tại trường," Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Về nguy cơ trẻ em mắc COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, trẻ em dưới 18 tuổi chiếm 19% tổng số ca mắc, tỷ lệ trẻ em tử vong chiếm 0,4%. Trước ngày 1/2, từ 0-2 tuổi, tỷ lệ mắc chiếm 3,2%; từ 3-5 tuổi 2,7%; 6-19 tuổi là 7,9%. Tỷ lệ trẻ em mắc diễn biến nhẹ, tỷ lệ tử vong rất thấp.

“Cơ bản nhất, đến nay, chúng ta có hướng dẫn cụ thể, chi tiết như Quyết định 405/QĐ-BYT ngày 22/2/2022 ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em; Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31/1/2022 về việc ban hành Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà. Do đó, trong điều kiện tình hình mới, phụ huynh học sinh, nhà trường thực hiện tốt có thể yên tâm đưa trẻ đến trường," Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm phòng vaccine

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình phục hồi kinh tế nói chung, chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục nói riêng, bảo đảm tiến độ, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15, đặc biệt, sớm triển khai, bổ sung các gói hỗ trợ cho các cơ sở ngoài công lập, giáo viên ngoài công lập đang thực hiện hoạt động dạy học trong tình mới.

Chính phủ đẩy nhanh gói tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên và chính sách hỗ trợ giáo viên trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, tác động nặng nề đến ngành Giáo dục; đồng thời, xem xét có cơ chế miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với cán bộ, giáo viên trong tình hình dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Không cứng nhắc cố định thời điểm kết thúc năm học ảnh 4Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em," tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền Internet, phương tiện học tập cho học sinh bảo đảm triển khai hiệu quả phương thức dạy học trực tuyến trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, từng bước chuyển đổi số trong lĩnh vực; tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kế hoạch, phương án tổ chức dạy học bảo đảm an toàn, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn cơ sở địa phương, cơ sở giáo dục.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Xã hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá toàn diện, đầy đủ, tác động trước mắt và lâu dài của đại dịch COVID-19 tới hoạt động giáo dục tất cả các cấp học; phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương, các cơ sở giáo dục hoàn thiện phương án tổ chức dạy học, tập huấn kịch bản ứng phó khi học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông về hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, khắc phục bất cập trong thời gian học trực tuyến, chú trọng công tác tư vấn học đường để học sinh, sinh viên sớm hoạt động trở lại trạng thái bình thường; có kế hoạch cập nhật, bổ sung kiến thức miễn phí cho học sinh.

Đối với các địa bàn phải tiếp tục học trực tuyến, ngành Giáo dục cần quan tâm đẩy nhanh việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý việc học, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện để tổ chức học trực tuyến; xây dựng các nền tảng học trực tuyến dễ dàng và thuận tiện sử dụng, phù hợp từng cấp học, bảo đảm thuận tiện cho học sinh, sinh viên, giáo viên.

Nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, mở rộng hơn nữa các hình thức dạy học phù hợp với hoàn cảnh khác nhau của từng cấp học và địa phương.

Hoàn thiện các chính sách quản lý trong lĩnh cực giáo dục, đồng bộ, nhất quán giữa chính sách từ cao xuống thấp, từ chính sách chung đến các chính sách đặc thù của ngành; áp dụng linh hoạt hơn nữa những tiêu chí đảm bảo chất lượng và phương pháp đánh giá công bằng giáo dục và đào tạo.

Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá rủi ro sức khỏe học sinh dưới 12 tuổi, chưa tiêm vaccine; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm phòng vaccine.

Việc mở rộng đối tượng tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi cần được thử nghiệm, triển khai từng bước thận trọng, khoa học, để phụ huynh và xã hội yên tâm ủng hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục