Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Trang sử mới trong công tác hộ tịch

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng việc Quốc hội vừa thông qua Luật Hộ tịch sẽ mở ra một trang mới trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng.
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trao đổi về những nội dung căn bản, những điểm mới trong Luật Hộ tịch vừa được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng việc Quốc hội vừa thông qua Luật Hộ tịch sẽ mở ra một trang mới trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung.

Đây là lần đầu tiên có văn bản ở tầm Luật để quy định về lĩnh vực quan trọng này. Trước đây hệ thống văn bản pháp luật về hộ tịch tuy nhiều nhưng chủ yếu là nghị định, thông tư nên hiệu lực thi hành còn hạn chế. Bên cạnh đó, vì được quy định trong nhiều văn bản nên phức tạp, khó áp dụng.

Theo Bộ trưởng, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác đăng ký, quản lý, thống kê hộ tịch hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có tình trạng thông tin hộ tịch của cá nhân trong các giấy tờ không thống nhất; một người có tới 2 thậm chí 3 giấy khai sinh; hay việc tùy tiện cải chính năm sinh không đúng quy định của pháp luật để trục lợi hay để trốn tránh pháp luật.

Luật đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh, đồng thời quy định việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác; số này cũng chính là số thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định để quy định cấu trúc số định danh cá nhân; trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân. Với việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, tình trạng một người có 2 hay 3 giấy khai sinh sẽ không còn nữa, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Luật cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (song song với cơ sở dữ liệu giấy), đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ trưởng nhấn mạnh, các thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất; các bộ, ngành, địa phương có thể lấy thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, khắc phục được tình trạng không thống nhất về thông tin cá nhân trên hồ sơ, giấy tờ cũng như trong các cơ sở dữ liệu có liên quan.

Luật cũng có nhiều quy định nhằm hạn chế sai sót, vi phạm có thể xảy ra trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch như quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn công chức làm công tác hộ tịch; bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm trong đăng ký và quản lý hộ tịch, đặc biệt là nghiêm cấm người có thẩm quyền quyết định đăng ký hộ tịch thực hiện việc đăng ký hộ tịch cho bản thân hoặc người thân thích; quy định Giấy tờ hộ tịch được cấp cho trường hợp đăng ký hộ tịch vi phạm quy định của Luật không có giá trị và phải thu hồi, hủy bỏ…

Luật Hộ tịch có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016. Kể từ thời điểm đó, việc đăng ký khai sinh sẽ được thực hiện theo Luật mới, người dân sẽ được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Bộ trưởng cho biết, từ ngày 1/1/2020, với việc cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng xong thì Luật sẽ được thực thi đầy đủ.

Bộ trưởng khẳng định, toàn bộ hệ thống Sổ hộ tịch được lưu trữ trước ngày Luật này có hiệu lực, không phân biệt ở thời kỳ nào, vẫn được coi là căn cứ pháp lý để chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân; được sử dụng để tra cứu, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người dân có yêu cầu. Đồng thời, các giấy tờ hộ tịch đã cấp cho người dân theo quy định của pháp luật về hộ tịch trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị.

Nói về việc đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch hiện nay, liệu có bảo đảm được yêu cầu công việc khi Luật mới có hiệu lực thi hành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ xã, phường, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Bộ Tư pháp sẽ có kế hoạch rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch.

Dự kiến từ nay đến năm 2016, phải chuẩn hóa đội ngũ này và đến trước ngày 1/1/2020 phải hoàn thành việc đào tạo lại đối với toàn bộ đội ngũ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục