Bộ trưởng Công Thương là người trả lời chất vấn nhiều nhất

Ba lần đăng đàn trong hai ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là Tư lệnh ngành tham gia trả lời nhiều nhất trước Quốc hội tính đến thời điểm này.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 17/11, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu tiếp tục quan tâm, đặt câu hỏi, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình các nội dung liên quan đến các yêu cầu được đặt ra với ngành dệt may khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); việc quản lý các doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Ba lần đăng đàn trong hai ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là Tư lệnh ngành tham gia trả lời nhiều nhất trước Quốc hội tính đến thời điểm này.

Về việc tham gia Hiệp định TPP đối với ngành dệt may Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết một trong những mục tiêu và yêu cầu được Trung ương, Chính phủ, Quốc hội đặt ra là yêu cầu các đối tác dành cho Việt Nam được hưởng các lợi ích cốt lõi. Lợi ích cốt lõi đối với Việt Nam là mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam có lợi thế, đặc biệt là về dệt may.

Bộ trưởng cho biết qua các Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam đã đàm phán, ký kết, đang đàm phán và sắp sửa kết thúc đàm phán, về cơ bản, Việt Nam đều đạt được yêu cầu này, nghĩa là các nước đều chấp nhận mở cửa thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam có lợi thế.

Riêng đối với Hiệp định TPP, do các nước (chủ yếu là Hoa Kỳ) yêu cầu trong đàm phán là những gì xuất xứ từ Việt Nam sẽ được ưu đãi, nếu không xuất xứ từ Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi.

Đối với hàng dệt may, nguyên tắc được nêu ra là có xuất xứ từ sợi trở đi (các mặt hàng của Việt Nam phải có mặt hàng vải được sản xuất tại Việt Nam mới được hưởng ưu đãi khi nhập vào các nước này).

Việt Nam đã kiên trì đàm phán, thuyết phục các đối tác, cuối cùng các đối tác đã chấp nhận đối với một số sản phẩm dệt may ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực phải thực hiện theo nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi, một số hàng hóa dệt may khác có thể được chấp nhận một thời gian duy trì tình hình như hiện nay (Việt Nam chưa sản xuất được, có thể nhập khẩu được ngoài TPP vẫn được hưởng ưu đãi).

Vì vậy kết quả đàm phán trong ngành dệt may của Việt Nam đã giữ được 184/186 chủng loại hàng hóa dệt may không phải áp dụng nguyên tắc từ sợi trở đi.

Trong quá trình đàm phán, Chính phủ đã tranh thủ tham vấn ý kiến của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thấy rằng, đây là thách thức cũng là cơ hội nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm sản xuất tại Việt Nam lên, hay nói cách khác là tăng cường công nghiệp hỗ trợ.

Nếu cứ nhập khẩu mãi, ngành dệt may Việt Nam sẽ luôn ở tình trạng gia công, “lấy công làm lãi.” Vì vậy, trong 5 năm đàm phán vừa qua, ngành dệt may đã tự đầu tư, chỉ tính riêng từ năm 2013 đến 2014 đã thu hút đầu tư trong ngành dệt may được 3 tỷ USD, trong đó có cả đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Với hướng đi này, ngành dệt may dự kiến đến 2018, khi Hiệp định TPP có hiệu lực theo dự kiến, tỷ trọng hàng dệt may xuất khẩu vào các nước TPP có xuất xứ vải từ Việt Nam sẽ chiếm khoảng 60%, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tỷ lệ nội địa hóa (tỷ lệ sản phẩm làm tại Việt Nam liên quan đến ngành dệt may), đối với vải dệt kim, Việt Nam lo được khoảng 85%, đối với vải dệt thoi (vải bình thường) mới sản xuất được 1,4 tỷ mét, trong khi nhu cầu một năm là 4 tỷ mét (30%). Đối với sợi, Việt Nam sản xuất đủ theo nhu cầu.

Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD, tính bình quân chung tỷ lệ nội hóa khoảng 50%. Vì vậy, cần tận dụng cơ hội này để tranh thủ đầu tư vào khâu vải, nhất là dệt thoi. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tranh thủ kêu gọi đầu tư nước ngoài, bởi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng được coi như một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam. Nếu thực hiện nghiêm túc sẽ tận dụng được cơ hội của TPP, giảm thiểu thách thức.

Xung quanh câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) về quản lý doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thống kê: Chính phủ đã có Nghị định số 42/2014/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp...

Từ đó đến nay, 105 doanh nghiệp đã được các Sở Công Thương cấp giấy phép đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Từ khi Nghị định 42 có hiệu lực, tháng 11 này, đã có thêm 59 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký.

Bộ trưởng chỉ rõ ba trường hợp gồm doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; doanh nghiệp kinh doanh dựa theo mô hình bán hàng đa cấp; các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp nhưng hoạt động không đúng mục tiêu được đăng ký.

Để xử lý các vi phạm này, bên cạnh Nghị định 42 cũng cần rà soát lại khung khổ pháp lý chặt chẽ, tránh việc các doanh nghiệp bán hàng đa cấp lợi dụng các quy định chưa đầy đủ để vi phạm.

Song song với đó, cần nâng cao điều kiện đăng ký bán hàng đa cấp theo hướng thắt chặt hơn; chủ trì, phối hợp các đoàn kiểm tra, giám sát, xử lý các doanh nghiệp sai phạm; chỉ đạo các Sở Công Thương trong giám sát, kiểm tra xử lý hoạt động bán hàng đa cấp; rà soát lại, yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải báo cáo và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục