Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang gặp phải những vướng mắc về giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng tới tiến độ đề ra và nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ khó về đích theo đúng yêu cầu của Chính phủ.
Lo sợ mặt bằng “ngâm” tiến độ dự án
Sáng ngày 22/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đi kiểm tra hiện trường hai dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và Mai Sơn-Quốc lộ 45.
Đối với dự án cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn có tổng chiều dài 15,2km hoàn thành vào cuối năm 2021, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình (đại diện chủ đầu tư), dự án hiện còn vướng 1 hộ dân ở mố cầu M2 Yên Khang, huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) đã phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng, 3 lần chi trả tiền nhưng hộ gia đình vẫn không đồng ý nhận tiền.
Còn ở tỉnh Ninh Bình, trên đường gom đoạn qua địa bàn huyện Yên Khánh còn 2 hộ dân và trong lõi nút giao Khánh Hòa còn 11 hộ dân đã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa di chuyển xong tài sản để phá dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng cho dự án.
Với dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 có tổng chiều dài 63,3km, thời gian hoàn thành vào năm 2022, ông Lương Văn Long-Giám đốc điều hành dự án (Ban Quản lý dự án Thăng Long - đại diện chủ đầu tư), cho biết dự án được chia thành 5 gói thầu xây lắp, trong đó đoạn qua tỉnh Ninh Bình mới bàn giao được 8,18/14,41km (còn 6,23km), đoạn qua tỉnh Thanh Hóa bàn giao được 47,46/48,96km (còn 1,5km).
Các nguyên nhân vướng mắc được ông Long chỉ ra là do thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) chưa xây dựng được đơn giá đền bù đối với các loại đất vườn ao trong khu dân cư; việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề còn chậm. Mặt khác, một số hộ dân chưa được cấp đất tái định cư hoặc chưa xây dựng xong nhà mới ở khu tái định cư; một số hộ dân còn khiếu kiện liên quan đến chính sách bồi thường hỗ trợ.
[Tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Cao tốc Bắc-Nam phía Đông]
Ngoài ra, theo ông Long, trong các đoạn tuyến đã bàn giao vẫn còn tồn tại một số hộ dân chưa di dời nằm rải rác, với nhiều lý do như chưa nhận đủ tiền bồi thường hoặc còn phát sinh các công trình kiến trúc chưa được thống kê bồi thường, chưa xây xong nhà mới ở các khu tái định cư...
Mặt khác, khi triển khai thi công, ông Long thừa nhận tình trạng nhiều mỏ vật liệu, bãi đổ thải không thích hợp, không như số liệu khảo sát bước thiết kế kỹ thuật như đã hết hạn khai thác, chưa được quy hoạch, đã hết trữ lượng, trữ lượng còn lại ít...
“Ban Quản lý dự án Thăng Long đang cùng các nhà thầu, tư vấn giám sát rà soát, tổng hợp các nội dung, vướng mắc để làm việc cùng Ủy ban Nhân dân các tỉnh, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải tìm giải pháp tháo gỡ. Nếu quý 1/2021 mà không bàn giao mặt bằng thì dự án sẽ chậm tiến độ và không thể hoàn thành trong năm 2022,” ông Long khẳng định.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, cho hay địa phương đều có cam kết đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Ngày mai (ngày 23/2), Hội đồng Nhân dân tỉnh họp sẽ thông qua một số chính sách hỗ trợ thì tỉnh triển khai giải quyết cho người dân và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng Ba này.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định sẽ bàn giao trước ngày 15/3/2021 chiều dài mặt bằng còn lại để các đơn vị thi công thực hiện dự án.
Không được để xảy ra sai sót
Hoan nghênh đại diện chủ đầu tư đã hết sức nỗ lực cùng với địa phương và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ tại dự án, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng khối lượng công việc còn nhiều nên các đơn vị phải bám sát công trường, mà cụ thể là từng hạng mục công việc để đẩy tiến độ, nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình.
“Đây là dự án trọng điểm quốc gia, là công trình mẫu nên không được phép sai sót trong quá trình thực hiện, phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu," người đứng đầu ngành giao thông quả quyết.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương nơi dự án đi qua quyết tâm để hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng Ba để bàn giao cho dự án.
Về việc xử lý đất yếu là một trong những yếu tố quan ngại có thể làm ảnh hướng đến tiến độ thi công, Bộ trưởng Thể yêu cầu Ban Quản lý dự án cần làm việc chặt chẽ với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và báo cáo kịp thời cho bộ các giải pháp để xử lý đảm bảo đúng tiến độ.
“Không vì nền đất yếu mà làm chậm tiến độ thi công, không vì đất yếu mà làm giảm chất lượng công trình. Ưu tiên số một là nền móng vững chắc, nền móng không vững chắc sẽ gây lún sụt, sẽ liên quan đến vấn đề chất lượng," Bộ trưởng lưu ý.
[Bộ trưởng GTVT: Mỗi nhiệm kỳ sẽ có công trình mang tính biểu tượng]
Đối với vướng mắc về các mỏ đất và giá nguyên vật liệu tăng so với dự toán, Bộ trưởng yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long cần rà soát lại hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế. Những sai sót trong quá trình lập dự án hay những vị trí mỏ, trữ lượng, quy mô, giấy phép... nếu như Tư vấn thiết kế làm không đúng thì phải kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc, tránh tình trạng làm chậm tiến độ. Trong trường hợp bất khả kháng, chủ đầu tư và nhà thầu phải có giải pháp thay thế và không được làm tăng kinh phí.
“Dự án cao tốc Bắc-Nam là công trình trọng điểm nên không thiếu tiền. Do đó, Ban quản lý dự án cần xử lý các vướng mắc để đảm bảo tiến độ dự án để khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội địa phương,” Bộ trưởng Thể nhấn mạnh/.