Bộ trưởng GTVT nói gì về sụt giảm doanh thu, xử lý bất cập dự án BOT?

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận thực tế sắp tới khi hoàn thành toàn bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, nhiều doanh nghiệp dự án BOT bị ảnh hưởng bởi phải chia sẻ lưu lượng xe.
Dự án BOT Thái Nguyên-Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 được đề xuất mua lại bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để chấm dứt hợp đồng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã giải đáp những ý kiến của đại biểu Quốc hội về một số dự án BOT hiện đang bị sụt giảm doanh thu và phương án xử lý bất cập này; kêu gọi đầu tư dự án giao thông theo hình thức PPP (công-tư); đầu tư trạm dừng nghỉ cao tốc.

Lỗi không phải nhà đầu tư hay Nhà nước!

Liên quan Nhà nước mở các tuyến cao tốc song hành dẫn đến đến việc 1 số nhà đầu tư dự án BOT bị chia sẻ lưu lượng và ảnh hưởng dự án, theo Bộ trưởng Thắng, trong quá trình phát triển đất nước, có chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không tính toán hết được vấn đề này.

Ông Thắng cho biết cách đây 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông lớn, nguồn lực có hạn. Lúc đó, Nhà nước tạo mọi điều kiện mời gọi nhà đầu tư. Khi kinh tế-xã hội phát triển và xây dựng quy hoạch chiến lược cùng với thực tiễn rà soát lại cần tiếp tục đầu tư hạ tầng gthong kết nối. Do đó, rất nhiều dự án sẽ bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Thắng cũng thừa nhận thực tế sắp tới khi hoàn thành toàn bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, nhiều doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng chia sẻ lưu lượng khi làm cao tốc Bắc-Nam.

Dẫn chứng như tuyến Dầu Giây-Phan Thiết đoạn qua tỉnh Bình Thuận sau khi đưa vào khai thác, tuyến BOT Quốc lộ 1A giảm 83% doanh thu tại Bình Thuận vì đi tuyến cao tốc nhanh, vắng và không mất tiền.

“Luật PPP nêu rõ một dự án đầu tư BOT doanh nghiệp nếu như doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư chia sẻ lại cho Nhà nước, đổi lại doanh thu thấp hơn dưới 75% thì Nhà nước phải chia sẻ,” người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải nói.

Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế thu phí phần vốn Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc và cơ chế  xử lý với các dự án BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, đường tránh.

[Bộ GTVT đưa ra giải pháp mua lại 8 dự án BOT đường bộ thua lỗ]

Đề cập đến việc xử lý các bất cập dự án BOT, theo ông Thắng, Nhà nước và doanh nghiệp bình đẳng khi đặt bút ký hợp đồng nên khi xử lý phải tiếp tục đàm phán nhà đầu tư và ngân hàng, cố gắng đạt mục tiêu đảm bảo giảm thiểu thiệt hại nhà đầu tư.

“Nhiều dự án lỗi không phải do nhà đầu tư hay Nhà nước mà do vấn đề kinh tế-xã hội phát triển, nhu cầu thực tế phát sinh hạ tầng sẽ dẫn đến câu chuyện ảnh hưởng về doanh thu thu phí. Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải đưa phương án xử lý vướng mắc 8 dự án BOT,” Tư lệnh ngành giao thông chia sẻ quan điểm.

Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý Nhà nước và cũng không có tiền, Bộ trưởng Thắng cho biết đang làm hết sức mình để tháo gỡ triệt để bảo vệ các nhà đầu tư BOT nhưng do các điều kiện khách quan bị ảnh hưởng.

“Nhà nước căn cứ quy định pháp luật và hợp đồng để xử lý với những dự án BOT bị ảnh hưởng doanh thu,” ông Thắng khẳng định.

Sẽ đầu tư trạm dừng nghỉ, hoàn thiện đường gom và dân sinh

Liên quan đến dự án PPP sau đó phải chuyển sang đầu tư công, Bộ trưởng chia sẻ đây cũng là trăn trở của cá nhân mình và của bộ khi đến nay chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần tạo được niềm tin của doanh nghiệp thông qua xem xét có điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm tính ổn định của chính sách, trường hợp thay đổi cơ chế chính sách thì điều khoản chuyển tiếp như thế nào; bên cạnh đó, tháo gỡ các vấn đề liên quan đến ngân hàng…

Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn, huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đề cập đến đầu tư trạm dừng nghỉ là vấn đề bất cập bởi một số tuyến đường bộ cao tốc, đặc biệt là cao tốc Bắc-Nam đang thiếu, theo Bộ trưởng, từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận diện và chỉ đạo xây dựng thông tư hướng dẫn, tổ chức đấu thầu để khẩn trương xây dựng các trạm dừng nghỉ. Sắp tới, công tác đấu thầu quyền khai thác 8 trạm dừng nghỉ.

[Vì sao các tuyến cao tốc Bắc-Nam thông xe vắng trạm dừng nghỉ?]

Tuy nhiên, ông thừa nhận khó khăn nhất hiện nay là quy mô trạm dừng nghỉ trước đây chỉ quy định 1ha nhưng giờ tối thiểu 3ha trở lên. Bộ Giao thông Vận tải cam kết khi hoàn thành cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đảm bảo đầy đủ các trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch để đưa vào khai thác, vận hành.

Về vấn đề đường gom, đường dân sinh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho hay vừa qua đưa vào một số dự án đường bộ cao tốc còn khoảng 30-40% đường dân sinh chưa hoàn chỉnh và bộ đã có chỉ đạo chậm nhất trước 30/6 này phải xong các hệ thống đường này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục