Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần chủ động ở mức cao nhất để ứng phó với bão số 6

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương có sự chuẩn bị chủ động ở mức cao nhất trong ứng phó cơn bão số 6, tránh các tình huống không ngờ khi bão đi qua.

Các bộ ngành và địa phương về công tác ứng phó với bão số 6. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các bộ ngành và địa phương về công tác ứng phó với bão số 6. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều nay 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp trực tuyến với các bộ ngành và địa phương về công tác ứng phó với bão số 6 (bão Trami).

Ứng phó phương châm “bốn tại chỗ”

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đây là cơn bão có hoàn lưu rộng nên vùng gây mưa rất rộng từ 500 - 600 km. Cơn bão này có nhiều thay đổi từ khi hình thành. Từ hôm qua (24/10) đến nay, bão tương đối ổn định, dự báo sẽ đi vào khu vực miền Trung.

Dự báo, 13h ngày 26/10, bão đạt cường độ mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. 13h ngày 27/10, bão trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa, cách Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 180 km với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Rạng sáng 28/10, bão đổi hướng Đông Đông Nam trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ với cường độ cấp 10, giật cấp 12; sau đó di chuyển theo hướng Đông và tiếp tục suy yếu.

Về mưa, ông Khiêm cho biết dự báo từ chiều tối và đêm 26/10 - 28/10, từ Quảng Trị - Quảng Ngãi có mưa phổ biến từ 300-500 mm, cục bộ có nơi trên 700 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100 mm/3h; từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa phổ biến từ 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Các địa phương cần lưu ý mưa lũ khu vực Trung Bộ, mực nước một số sông có thể lên đến báo động 2, báo động 3 và một số vấn đề ngập úng đô thị.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 35 tàu/184 người (Quảng Ngãi) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh. Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia ứng phó với bão số 6 trong đó có hơn 100 tàu trên các vùng biển, máy bay trực thăng sẵn sàng ứng phó trong các tình huống.

Theo báo cáo của các địa phương, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động triển khai ứng phó với ứng phó với bão theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó Quảng Bình cấm biển từ 0h00 ngày 27/10; Thừa Thiên Huế tàu thuyền đã vào neo đậu và không cho ra khơi từ 25/10; Quảng Nam cấm biển từ 10h00 ngày 25/10; Quảng Ngãi cấm biển từ 10h00 ngày 26/10 và dự kiến hoàn thành việc sơ tán người dân trên đảo Lý Sơn trước 22h00 ngày 26/10; các địa phương từ Quảng Bình-Quảng Ngãi tổ chức rà soát, sẵn sàng ứng phó với mưa lớn sau bão, nhất là sơ tán dân khu vực nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.

1260efc87bb6c3e89aa7.jpg
Các địa phương tham gia họp trực tuyến về ứng phó với bão số 6. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương tập trung thu hoạch diện tích lúa mùa đã đến kỳ thu hoạch; thu hoạch sớm sản phẩm nuôi trồng thủy sản đã đến thời kỳ thu hoạch; sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Chủ động ứng phó ở mức cao nhất

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá bão số 6 là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng vào khu vực miền Trung, đường đi và diễn biến còn phức tạp, có thể gây mưa lớn trong những ngày tới. Bão số 3 đã gây ra trận lũ lụt khủng khiếp sau 70 năm ở miền Bắc; dự báo cơn bão số 6 có thể gây ra lũ lụt như năm 2020 ở miền Trung. Để sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, bão số 6 đang rất mạnh ở trên biển cùng lượng mưa rất lớn. Tuy bão số 6 sẽ đổ bộ đất liền lúc triều cường thấp, mực nước ở các hồ chứa đang ở mức độ an toàn, ở khu vực cần kích nước vào hồ chứa nhưng đề nghị các địa phương tính toán kỹ phương án ứng phó. Bên cạnh đó, các địa phương cần lưu ý thời gian lưu sóng rất lâu nên khả năng gây sạt lở bờ biển rất lớn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh các địa phương thông tin tuyên truyền đến người dân kịp thời, đầy đủ nhất có thể về diễn biến của bão. Tránh như cơn bão số 3, dự báo rất sát nhưng người dân còn tâm lý chủ quan. Đặc biệt, các địa phương cần nghiên cứu cấm biển dài hơn vì đây là cơn bão có sóng lớn, có khả năng vào rồi quay ra.

Theo báo cáo của Cục Thuỷ sản, tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận là 110.625 ha; 119.356 lồng bè; 1.929 chòi canh nuôi trồng thủy sản. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương chỉ đạo người dân thu hoạch bớt để tránh thiệt hại lớn; di chuyển, đảm bảo người dân không ở trên lồng bè lúc bão vào.

qH08g5sDG0qcogES464423711_956876819807874_6130820549278438091_n.jpeg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Minh Hoan chủ trì cuộc họp.

Về phòng chống sạt lở, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý các địa phương chủ động trong di dân, có phương án hạn chế tối đa các trường hợp có người chết, mất tích do sạt lở. Các địa phương có thể tiến hành rà soát một số điểm có nguy cơ sạt lở bằng để chủ động tính toán lại phương án đề phòng sạt lở.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Minh Hoan nhấn mạnh để đối phó với cơn bão 6, các bộ, ngành, địa phương chủ động ở mức cao nhất đưa ra những tình huống, kịch bản ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản trên biển; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn; theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống bão, lũ theo nhiệm vụ, thẩm quyền đã được phân công; bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chuẩn bị thành lập ban chỉ đạo tiền phương để ứng phó với bão số 6./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Thiệt hại tại tháp kiểm soát thuộc sân bay quốc tế Dzaoudzi–Pamandzi Marcel Henry, vài giờ sau khi bão Chido tấn công đảo Mayotte, ngày 14/12 (Ảnh: AFP)

Pháp: Ít nhất 14 người thiệt mạng do bão Chido

Ít nhất 14 người đã thiệt mạng tại vùng đảo Mayotte của Pháp sau khi bão Chido tàn phá khu ổ chuột của vùng lãnh thổ hải ngoại trên Ấn Độ Dương này. Dự báo số nạn nhân sẽ còn tiếp tục tăng lên.