Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tránh cài cắm câu chữ để “bẫy” doanh nghiệp

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành không nên cài cắm câu chữ để "bẫy" doanh nghiệp trong điều kiện kinh doanh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sáng 28/2, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với 16 bộ, ngành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và rà soát, cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh còn bất cập, chồng chéo, không cần thiết, nhằm tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.


Loại bỏ tất cả những rào cản

Thông tin về tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là thực hiện cho được mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính ở các bộ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, cuộc họp nhằm đưa ra các cách thức để loại bỏ những quy định không cần thiết trong điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa hơn về thủ tục hành chính để tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, hay nói cách khác là loại bỏ tất cả những rào cản.

Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề được Thủ tướng rất quan tâm chỉ đạo, yêu cầu các bộ phải gương mẫu cắt bỏ các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tiến tới cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức.

“Việc cắt giảm, sửa đổi và bãi bỏ phải thực chất chứ không sửa đổi, bãi bỏ theo kiểu cơ học, không mang tính sửa câu chữ, không mang tính bỏ cái nọ, mọc cái kia,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng khẳng định mục tiêu của Thủ tướng là không dùng cơ chế ưu đãi là chính mà thay vào đó, phải cải cách mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo điều hành và cải cách hành chính để tạo môi trường đầu tư tốt hơn.

Truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu các bộ rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao và khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội.

“Thủ tướng nhắc các Bộ chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ, nhiệm vụ trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường mới trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch của 30/63 tỉnh, thành phố. Như vậy, việc chậm trễ này ảnh hưởng đến chương trình kế hoạch phát triển, kinh tế, xã hội của cả nước,” Bộ trưởng cho hay.

Cũng như vậy, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các bộ thi công thí điểm 1km đường để làm cơ sở điều chỉnh hệ thống định mức dự toán và chi phí đầu tư xây dựng trong một tuyến đường, để đảm bảo chi phí thực tế nhất, tiết kiệm nhất, minh bạch nhất. Tuy nhiên, đã quá thời hạn rất lâu (thời hạn Thủ tướng giao là tháng 10/2016 và đến 31/7/2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có yêu cầu) nhưng đến nay bộ vẫn chưa thực hiện. Hay việc Thủ tướng giao cho Thanh tra Chính phủ thanh tra cảng Quy Nhơn, yêu cầu các bộ báo cáo về cảng Cái Mép-Thị Vải và một số nhiệm vụ khác, cũng chưa được thực hiện.

“Những nhiệm vụ này các bộ phải chủ động rà soát lại và thực hiện theo chỉ đạo,” Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Đánh giá một số bộ, ngành đã có chuyển biến tốt trong việc rà soát, cắt giảm danh mục sản phẩm hàng hóa và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, song, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, vẫn còn những bộ chưa có giải pháp cụ thể, chưa thể chế hóa nên chưa thực hiện được.

Bộ Y tế có 802 mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, đã cắt giảm 7 loại sản phẩm, cần tiếp tục cắt giảm 407 sản phẩm, hàng hóa theo Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa đề xuất số lượng hàng hóa cắt giảm; cần cắt giảm 125 nhóm sản phẩm hàng hóa theo Nghị quyết 01. Bộ Tài nguyên và Môi trường có 110 mặt hàng, Bộ Giao thông Vận tải có 127 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa tự đề xuất cắt giảm...

Về danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành từ hai bộ trở lên, Bộ trưởng cho biết tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì, một mặt hàng của một bộ chỉ giao cho một đầu mối, tránh việc một mặt hàng phải kiểm tra của 2-3 bộ, 2-3 cơ quan trực thuộc một bộ. Từ quan điểm đó, Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng, xe máy phân khối lớn 175 cm3 trở lên vừa kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải nhưng lại phải xin giấy phép của Bộ Công Thương tạo cho doanh nghiệp thủ tục không cần thiết.


[Bộ trưởng Công Thương: ‘Bước tiến ở đây không đơn thuần chỉ là con số']

Hay, giữa Bộ Công Thương và Bộ Y tế trong việc kiểm tra nước, kiểm tra hóa chất, giữa Bộ Công Thương và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội liên quan đến kiểm tra nồi hơi, Bộ Công Thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong kiểm tra một số mặt hàng dầu mỡ, sản phẩm sữa đều có sự chồng chéo. Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ đưa ra phương án để xử lý vấn đề này, ví dụ, vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo, mặt hàng phân bón trước đây chịu sự kiểm tra của hai bộ, nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý duy nhất.

Về điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại 237 văn bản quy phạm pháp luật với 243 ngành, nghề. Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã liên tục được rà soát, hoàn thiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ. Chẳng hạn Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được cắt giảm còn 243 ngành, nghề so với 267 ngành, nghề theo quy định trước đó của Luật Đầu tư 2014.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng còn khá nhiều điều kiện kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, khó xác định như đưa ra cụm từ “phải phù hợp,” “phải đủ,” “phải sạch sẽ,” “phải thuận tiện,” “phải có trình độ tay nghề tốt,” “phải có đạo đức tốt”…

“Chúng ta cứ nêu ra cụm từ chung chung như vậy rất khó khăn cho đơn vị thực hiện. Lượng hóa vấn đề này như thế nào, tránh việc trong điều kiện kinh doanh chúng ta cài cắm câu chữ để “bẫy” doanh nghiệp, không nên. Doanh nghiệp nói là rất nhiều câu từ thế này đôi khi chúng tôi bị bẫy. Nếu thích vui vẻ thì qua, mà không thích vui vẻ thì bắt luôn cũng được,” Bộ trưởng nêu lên thực tế.

Theo Bộ trưởng, “hiểu như vậy là rất nguy hiểm cho cơ quan quản lý nhà nước.” Điều đó đòi hỏi cần xem xét lại, đề xuất sửa đổi cho phù hợp. Với tổng số 243 ngành, nghề kinh doanh và 3.571 yêu cầu, lĩnh vực nông nghiệp có 33 ngành, giao thông vận tải 30 ngành, công thương 27 ngành, tài chính 21 ngành… Các bộ cần rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh theo thẩm quyền.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng cần rà soát, nếu thấy điều kiện kinh doanh còn trói buộc doanh nghiệp thì nên cởi trói.

“Những gì liên quan đến an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, liên quan đến con người là vẫn kiểm soát nhưng không vì lý do đó ràng buộc các điều kiện không cần thiết để trói buộc doanh nghiệp. Tất cả nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, không nhiệm vụ nào được bỏ sót, không nhiệm vụ nào không thể thực hiện,” Bộ trưởng nhấn mạnh.


Xin-cho vẫn còn nhiều

Nhận định đà của cải cách đang được thúc đẩy rất tốt, tạo ra động lực mạnh cho sự phát triển, song, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đề xuất để bỏ nhiều, nhưng thực sự bỏ và triển khai trên thực tế thế nào để cho doanh nghiệp được hưởng lợi là cả một việc. Ngoài việc các bộ tự đề xuất ra, phải chuyển sang cắt giảm thực sự, từ cắt giảm thực sự, chuyển sang ban hành các điều kiện thực thi để xã hội có thể chuyển hóa được.

Theo ông, tháo gỡ cho doanh nghiệp mới là bước tạo ra những nền tảng cơ bản. Áp lực cải cách không phải chỉ giải quyết các vấn đề nền tảng của kinh tế thị trường mà còn của cả một nền kinh tế thị trường hiện đại theo nghĩa cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Trần Đình Thiên cho rằng hiện việc xin phép, xin-cho vẫn còn nhiều.

[Cắt bỏ hơn 50% điều kiện kinh doanh: Sẽ không mọc thêm giấy phép con]

“Tôi đi địa phương nhiều có tình trạng trên trải thảm đẹp lắm nhưng dưới lại rải đinh nhiều. Đến tỉnh nào cũng nói kiên quyết phải nhổ từng cái đinh một, nhổ đến cái đinh cuối cùng, nhưng đinh đóng rồi khó nhổ lắm và còn phụ thuộc trên có cho nhổ đinh hay không… Chúng ta cứ hì hục gỡ những cái do chúng ta tạo ra và coi đó là thành tích vĩ đại thì không được. Không làm được là nguy hiểm, còn làm được là bình thường, phải làm được,” ông Trần Đình Thiên nói.

Cũng như vậy, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ lạc quan và kỳ vọng nhiều vào cải cách nhưng đến nay, kết quả chưa đều, phần lớn đang dừng lại ở “có phương án.” Bộ phận khác dừng lại “ý tưởng” chứ chưa có phương án cụ thể...

Liên quan tới triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng định mức cho 1 km đường cao tốc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông giải trình, không phải Bộ không thực hiện mà thực tế triển khai gặp vướng mắc và đã có báo cáo giải trình xin ý kiến Văn phòng Chính phủ.

Theo quan điểm chuyên ngành, Thứ trưởng này cho biết, 1 km đường không mang tính đại diện do điều kiện mỗi vùng, địa hình, địa chất khác nhau. Vì thế, Bộ đề xuất xây dựng định mức cho 1km đường cao tốc phân chia theo khu vực Bắc-Trung-Nam. Tuy nhiên, cách xác định định mức cũng cần thay đổi theo tư duy thị trường chứ không thể bao cấp, đong đếm số lượng vật liệu đưa vào như trước đây. Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng đề án mới về định mức, theo hướng xác định theo năng suất, đảm bảo tính thị trường. Ngoài ra, hiện chưa có dự án cao tốc mới nào được đưa vào đầu tư, trừ cao tốc phía Đông sẽ triển khai trong tương lai nên thiếu cơ sở tính toán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục