Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) ngày 29/4 đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc mà các đảng đối lập tại Đức nhằm vào ông những ngày qua liên quan vụ bê bối của Cục Tình báo Liên bang Đức (BND).
Ông Maiziere nhấn mạnh trong những lần giải trình trước Hạ viện vừa qua, lần gần nhất là giữa tháng Tư, Bộ Nội vụ Đức đã khẳng định không có bằng chứng cho thấy Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) muốn thông qua BND để tiến hành do thám kinh tế.
Về những thông tin mà báo chí Đức đưa liên quan việc BND hỗ trợ NSA do thám nhiều mục tiêu ở Đức và châu Âu, ông Maiziere phủ nhận điều này và cho rằng đây là những thông tin sai sự thật bởi chính phủ Đức không bao giờ tiết lộ hay trích dẫn cho báo chí những báo cáo thuộc diện văn bản bảo mật như vậy.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ Đức cũng cho biết sẵn sàng giải trình trước Ủy ban Giám sát của Hạ viện liên bang “càng sớm, càng tốt.“
Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cùng ngày cũng bác bỏ những chỉ trích của các đảng Cánh tả đối lập. Theo ông Seibert, Chính phủ Đức luôn báo cáo chính xác những thông tin có được trước quốc hội.
Trong khi đó, đảng Cánh tả Đức (Die Linke) tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn trong vụ việc này. Phó Chủ tịch đoàn nghị sỹ đảng này trong Hạ viện, bà Sahra Wagenknecht yêu cầu ông Maiziere phải từ chức và cho rằng ông đã “lừa dối“ Hạ viện, cũng như việc ông nhiều năm 'không có phản ứng gì trước các hoạt động do thám của NSA tại Đức" là điều không thể chấp nhận.
Hạ nghị sỹ Konstantin von Notz của đảng Xanh (Die Gruenen), thành viên trong Ủy ban điều tra NSA của Hạ viện Đức, cũng cho rằng những thông tin liên quan NSA mà chính phủ không báo cáo trước Quốc hội làm "xói mòn niềm tin vào hệ thống chính trị Đức."
Ngày 29/4, thông tin từ một số tờ báo lớn ở Đức gồm các tờ Tấm gương điện tử (Spiegel Online), Nam Đức (Sueddeutsche Zeitung) và các kênh truyền hình Bắc Đức (NDR), Tây Đức (WDR) cho thấy các trạm kỹ thuật của BND ở vùng Bad Aibling, bang Bayern còn tiến hành do thám các mục tiêu gồm Bộ Ngoại giao Pháp, điện Elysee và Ủy ban châu Âu.
Ngoài ra, trong thời gian từ 2002-2013, BND đã tiếp nhận từ NSA số lượng “mục tiêu chọn lọc“ khổng lồ gồm 690.000 số điện thoại và 7,8 triệu địa chỉ IP./.