Ngày 21/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis thông báo các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Yemen được Liên hợp quốc công nhận và phiến quân Houthi được ấn định tiến hành vào đầu tháng 12 tới tại Thụy Điển.
Theo ông Mattis, các quốc gia hậu thuẫn Tổng thống Yemen Abedrabbo Mansour Hadi như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hoàn toàn ủng hộ cuộc đàm phán.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra thông báo trên trong bối cảnh đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen Martin Griffiths hiện đang ở thủ đô Sanaa của Yemen thương lượng với các thủ lĩnh phiến quân để thúc đẩy phe này tham gia cuộc đàm phán tại Thụy Điển.
Trước đó, ngày 19/11, Chính phủ của Tổng thống Yemen Hadi được quốc tế công nhận đã thông báo với Đặc phái viên Griffiths rằng chính phủ của ông sẽ cử phái đoàn tới tham gia cuộc hòa đàm tại Thụy Điển.
[Anh gửi dự thảo nghị quyết về Yemen tới Hội đồng Bảo an LHQ]
Liên quan vấn đề trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh sự phối hợp của Saudi Arabia là cần thiết nếu muốn kết thúc chiến tranh tại Yemen.
Một ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố duy trì quan hệ đồng minh với Saudi Arabia bất chấp việc quốc gia này đang là tâm điểm vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận.
Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi, theo đó tiến hành hàng nghìn cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của phiến quân Houthi. Để đáp trả, Houthi đã thực hiện hàng trăm vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các thành phố của Saudi Arabia, trong đó đa số bị lực lượng phòng không Saudi Arabia đánh chặn.
Trong thời gian qua, các bên tham chiến tại Yemen đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế yêu cầu chấm dứt cuộc chiến tranh đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và đẩy quốc gia này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới.
Các nỗ lực thúc đẩy tiến hành đàm phán hòa bình Yemen hồi tháng Chín vừa qua tại Thụy Sĩ đã thất bại do phiến quân Houthi không tham dự. Houthi đòi hỏi cộng đồng quốc tế đảm bảo an ninh chắc chắn hơn cho phái đoàn đàm phán của lực lượng này trên đường di chuyển qua các vùng biển và không phận mà liên minh Arab phong tỏa từ năm 2015./.